Sir Alex Ferguson từng nói về Man City sau chiến thắng 4-3 của MU trước đối thủ trong trận derby ở Old Trafford: “Đôi khi bạn có một người hàng xóm ồn ào. Bạn không thể làm bất cứ điều gì để thay đổi. Họ sẽ luôn ồn ào. Bạn chỉ cần tiếp tục cuộc sống của mình, bật tivi lên và bật to hơn một chút”.
Dù vậy kể từ đó, MU đã dần đánh mất vị thế vào Man City, khiến họ giờ đây mới chính là “người hàng xóm ồn ào”. Trong 14 năm qua, Man xanh đã giành được nhiều danh hiệu, có nhiều bản hợp đồng chất lượng cùng nhiều nước đi khôn ngoan bên ngoài sân cỏ hơn MU.
Cán cân quyền lực đã hoàn toàn thay đổi, và dưới đây là 12 khoảnh khắc khiến thành Manchester giờ phủ một màu xanh.
Năm 2008 có vẻ là một năm khốn khổ với fan Man City. Trong khi MU vô địch Premier League ở ngày cuối của mùa giải, thì Man xanh lại thúc thủ 1-8 trước Middlesbrough. Vài tuần sau, MU tiếp tục đăng quang Champions League tại Moscow, còn tương lai của Man City đứng trước giông bão sau bê bối của chủ tịch Thaksin Shinawatra.
Tuy nhiên, Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan – Phó Thủ tướng của UAE – đã đến giải cứu Man City. Sheikh Mansour đặt tham vọng mua một CLB Premier League. Ông đã xem xét 3 lựa chọn khác nhau trước khi chọn Man City, trả cho Shinawatra 210 triệu bảng cho 90% cổ phần của CLB. Chỉ trong vài ngày, Man City từ một đội bóng trên bờ vực sụp đổ trở thành CLB giàu nhất thế giới.
Cùng ngày với việc tiếp quản được công bố, Man City đã ký hợp đồng với Robinho từ Real Madrid. Viên đá đầu tiên trong hành trình thống trị toàn cầu của họ bắt đầu.
Robinho có thể là một bản hợp đồng hào nhoáng, nhưng thương vụ chiêu mộ Tevez của Man City thực sự đã khiến MU tổn thương. Cựu tiền đạo người Argentina có 2 năm khoác áo Quỷ đỏ theo dạng mượn từ West Ham, trở thành nhân tố quan trọng trong 2 chức vô địch Premier League cũng như tiến vào 2 trận chung kết Champions League của CLB. Dù vậy, yêu cầu lớn về tiền lương của Tevez khiến MU lăn tăn trong việc ký hợp đồng chính thức với anh.
Man City dưới sự hậu thuẫn của Sheikh Mansour không ngại điều đó. Họ móc hầu bao đưa Tevez về Etihad, đăng hình ảnh của anh trên tấm biển quảng cáo lớn kèm dòng chữ “Chào mừng đến Manchester”. Tevez ghi trung bình 1 bàn sau mỗi 2 trận cho Man City, và là cầu thủ thủ ghi bàn hàng đầu của CLB trong 2 mùa giải tiếp theo. Tevez giúp Man City lần đầu giành vé dự Champions League năm 2011 và vô địch FA Cup – danh hiệu đầu tiên của Man xanh sau 35 năm.
MU đã không thua trận derby Manchester nào tại Premier League trong 4 mùa giải, trước khi hai đội đụng độ nhau vào tháng 10/2011 tại Old Trafford. Những tưởng kịch bản cũ sẽ lặp lại nhưng không, chính Quỷ đỏ đã phải trải qua cơn ác mộng ngay tại tổ ấm. Man City chơi một trận bùng nổ để giành chiến thắng hủy diệt 6-1 trước MU, trong đó, hình ảnh Mario Balotelli vạch áo để lộ dòng chữ “Tại sao luôn là tôi?” đã đi vào giai thoại.
Đó là chiến thắng đậm nhất của Man City trước MU kể từ năm 1926, và là thất bại tồi tệ nhất của Quỷ đỏ trong kỷ nguyên Premier League. Quan trọng hơn cả, ngoài việc là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi quyền lực sắp xảy ra ở Manchester, kết quả này còn có tác động lớn đến cuộc đua vô địch. Rốt cuộc, Man City đã lên đỉnh Premier League lần đầu tiên trong lịch sử nhờ hơn “hàng xóm” MU hiệu số bàn thắng bại.
Cho đến nay, khoảnh khắc Sergio Aguero ghi bàn quyết định cho Man City vào lưới Queens Park Rangers ở phút bù giờ ở vòng đấu cuối cùng của Premier League 2011/12 vẫn sống động như mới diễn ra ngày hôm qua. Một thời khắc lịch sử khiến cả cầu trường Etihad vỡ òa trong sung sướng tột độ, mang về chức vô địch Ngoại hạng Anh cho Man City ngay trước mũi MU. Pha lập công của Aguero là sự khởi đầu cho kỷ nguyên thống trị của Man City, danh hiệu đầu tiên trong số 7 vinh quang trong vòng 12 mùa giải.
Cuối cùng, kỷ nguyên của Sir Alex tại MU cũng khép lại vào tháng 5/2013. Thời điểm ấy, Quỷ đỏ đang ở một vị thế tốt bởi họ mới đòi lại chức vô địch Premier League từ tay Man City. Rõ ràng, MU sẽ mất một thời gian để thích nghi với một thế giới hậu Ferguson, song không ai có thể hình dung được mọi chuyện sẽ tồi tệ đến mức nào.
Kể từ khi Sir Alex “rửa tay gác kiếm”, MU chưa có thêm lần nào đăng quang Premier League, hoặc thậm chí tiến gần đến chức vô địch. Họ đã 4 lần không có vé dự Champions League, và chỉ lọt vào tứ kết của sân chơi này 2 lần. Ngoài ra, MU đã thay 6 HLV, trong khi Man City chỉ có hai trong cùng thời gian.
Khi Sheikh Mansour mua Man City, ông đã nhận được các báo cáo liên quan đến tình trạng trung tâm huấn luyện của CLB từ chủ tịch Khaldoon Al Mubarak. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, song quyết định cuối cùng của Man City là xây dựng học viện bóng đá đẳng cấp ngay đối diện sân Etihad, mở cửa vào năm 2014.
Ngoài việc đào tạo ra những cầu thủ trẻ hàng đầu như Jadon Sancho, Phil Foden hay Cole Palmer, học viện còn là nơi mơ ước của Pep cùng các cộng sự để làm việc. Điều này hoàn toàn trái ngược với sân tập của MU tại Carrington, nơi Cristiano Ronaldo phàn nàn không có bất kỳ sự thay đổi kể từ lúc anh rời đi năm 2009.
Man City bắt đầu săn đón Pep từ năm 2012, chỉ vài tháng sau khi Roberto Mancini đưa họ đến chức vô địch Premier League đầu tiên. Man xanh chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng cho kế hoạch đón Guardiola. Họ đã tuyển mộ các đồng nghiệp cũ của ông ở Barca gồm Txiki Begiristain và Ferran Soriano về lần lượt đảm nhận cương vị giám đốc thể thao và giám đốc điều hành.
Khi Pep nói rằng ông đã đồng ý dẫn dắt Bayern, Man City hứa họ sẽ đợi ông. Cuối cùng, Man City đã tìm cách tái tạo mô hình tương tự mà Guardiola đã làm việc ở Barca, và nó đã được đền đáp xứng đáng khi Man xanh đã giành được 15 danh hiệu trong 7 năm. Trái lại, MU lại có cách tiếp cận khó hiểu, thiếu nhất quán trong việc tuyển dụng HLV. Họ đã ký hợp đồng với những nhà cầm quân có triết lý bóng đá cực kỳ khác nhau.
Vô địch không thôi là chưa đủ, Man City của Pep còn biết cách đăng quang khiến sử sách phải ghi danh họ. Mùa 2017/18, Man xanh lập kỷ lục vô địch Ngoại hạng Anh với 100 điểm – điều chưa từng có trong lịch sử giải đấu. Người hâm mộ Man City say đắm với phong cách chơi bóng cuồng nhiệt của đội nhà, trái ngược với thứ bóng đá “dựng xe buýt” của MU thời Jose Mourinho.
Tháng 11/2021, Man City hạ MU 2-0 tại Old Trafford. Man xanh thực tế đã có nhiều thắng lợi đậm hơn trước Quỷ đỏ, song tính chất của chiến thắng năm ấy khiến nó giống như một cuộc đọ sức giữa người khổng lồ và kẻ tý hon. Đội bóng Pep cầm bóng 67%, thực hiện 832 đường chuyền so với 400 của MU, tung ra 16 cú sút, gấp hơn 3 lần đối thủ (5). Đây là một sự tra tấn. và nó đã đặt dấu chấm hết cho hành trình của Ole Gunnar Solskjaer tại Quỷ đỏ không lâu sau đó.
MU đã biết đến tiềm năng của Erling Haaland từ rất lâu trước khi cầu thủ người Na Uy trở thành tiền đạo nguy hiểm nhất thế giới. Solskjaer cũng đã cố gắng ký hợp đồng với Haaland trước khi anh gia nhập Dortmund vào tháng 1/2020. Tuy nhiên, khi ngôi sao 23 tuổi “sẵn hàng” ở Hè 2022, MU đã bị Man City đánh bật.
Điều đáng chú ý là khi Man xanh ký hợp đồng với Haaland, họ vẫn kiếm được lợi nhuận từ việc bán Gabriel Jesus, Oleksandr Zinchenko và Raheem Sterling. Ngược lại, MU đã chi 210 triệu bảng vào mùa hè năm đó cho những cầu thủ như Antony, Casemiro và Lisandro Martinez. Kết quả ra sao thì ai cũng rõ.
Ngay cả khi Man City vươn mình mạnh mẽ trong nhiều năm, MU vẫn được an ủi vì họ vẫn là đội duy nhất sở hữu chiến tích “ăn ba” vĩ đại. Song, điều đó đã thay đổi mùa trước khi Man City hoàn thành “cú ăn ba”. Tệ hơn cả, chính MU đã bị Man City đánh bại trong trận chung kết FA Cup ở Wembley. Giờ đây, các fan MU chẳng còn gì để vin vào trong cuộc tranh cãi ai là CLB số 1 tại Manchester.
Bằng chứng cho thấy Man City không chỉ vượt qua MU trên sân cỏ là khi UEFA công bố các sân vận động đăng cai EURO 2028 ở Vương Quốc Anh, với Etihad của Man City được chọn thay vì Old Trafford. “Nhà hát của những giấc mơ” từng tổ chức nhiều trận đấu đỉnh cao, nhưng vị thế của nó ngày càng giảm sút do thiếu sự đầu tư. MU vẫn chưa quyết định phải làm gì với Old Trafford do sự thiếu chắc chắn xung quanh vấn đề chủ sở hữu. Trong khi đó, Man City đã chấp thuận việc mở rộng Etihad, nâng sức chứa lên 62.000 chỗ ngồi vào năm 2026. Một dấu hiệu khác cho thấy sự thay đổi quyền lực ở Manchester.