Thủ môn
Khi ĐT Anh tham dự EURO 2004, đứng trong khung gỗ đội bóng là thủ thành David James nhìn chung không quá nổi bật. So với đồng nghiệp Jordan Pickford đã chơi ở cả bán kết World Cup lẫn chung kết EURO, James có số lần khoác áo ĐTQG ít hơn (53 so với 55). Ở tuổi 29, Pickford đang trong giai đoạn sung sức nên hứa hẹn còn có thể cống hiến cho ĐT Anh thêm nhiều năm nữa.
Về mặt chuyên môn, trong khi James thường hay mắc sai lầm thì Pickford có đến 26 trận giữ sạch lưới khi bắt cho ĐT Anh. Theo thống kê của Opta, thủ môn thuộc biên chế Everton không mắc lỗi nào dẫn tới bàn thua và có tỷ lệ cản phá thành công lên đến 75,3%.
Hậu vệ
Khác với hàng thủ mà nhiều người vẫn ví là gót chân Achilles của ĐT Anh hiện giờ, phòng tuyến của Tam sư năm 2004 có chất lượng cao hơn hẳn. Cách đây gần 2 thập kỷ, ĐT Anh có hậu vệ phải trứ danh Gary Neville gắn bó trọn sự nghiệp với MU hùng mạnh do Sir Alex dẫn dắt. Bên cánh đối diện là hậu vệ trái đầy tốc độ và tinh quái Ashley Cole đã “bỏ túi” cả siêu sao Cristiano Ronaldo của đội chủ nhà Bồ Đào Nha trong trận tứ kết EURO 2004.
Ở phía trong, ĐT Anh của HLV Eriksson có 2 “hòn đá tảng” Sol Campbell và John Terry cực kỳ chắc chắn. Ngay cả khi trung vệ Rio Ferdinand bị treo giò vì sử dụng doping, ĐT Anh năm ấy ngoài bộ tứ hậu vệ nói trên vẫn còn hàng loạt những sự lựa chọn chất lượng khác như Jamie Carragher (Liverpool), Ledley King (Tottenham) hay Phil Neville (MU).
Ở ĐT Anh hiện giờ, chỉ có cặp đôi Kyle Walker và John Stones khiến người hâm mộ có được cảm giác yên tâm. Tuy nhiên, theo đánh giá của BBC thì cả 2 vẫn khó có thể chen chân được vào ĐT Anh 2004 với năng lực hiện có.
Xét về mức độ sáng tạo, hậu vệ phải Trent Alexander-Arnold của Liverpool dường như còn nhỉnh hơn cả Neville. Vấn đề ở đây là ở ĐT Anh, cầu thủ có khả năng sút phạt tốt này lại không nhận được sự tin tưởng từ HLV Southgate.
Tiền vệ
Năm 2004, HLV Eriksson có trong tay 4 tiền vệ là David Beckham, Frank Lampard, Steven Gerrard, Paul Scholes đều là những cá nhân xuất sắc. Đáng tiếc là bộ tứ này lại không phát huy được tối đa năng lực khi được bố trí đá cạnh nhau. Lệch pha nhất phải kể đến cặp Gerrard – Lampard. Ở Liverpool và Chelsea, bộ đôi này đều là những nhân tố chủ chốt ở tuyến giữa. Tuy vậy, cả 2 lại có xu hướng “giẫm chân nhau” mỗi khi cùng xuất hiện ở khu vực trung tuyến.
Vẫn biết trong tay HLV Eriksson còn có 2 sự lựa chọn khác là Owen Hargreaves (Bayern Munich) và Nicky Butt (MU), song ông lại không đủ quyết đoán để mạnh dạn loại bỏ Lampard hoặc Gerrard khiến ĐT Anh thiếu đi tuyến giữa hoàn hảo.
Không như đồng nghiệp người Thụy Điển, HLV Southgate lại chẳng ngần ngại đặt niềm tin vào tiền vệ trẻ Jude Bellingham năm nay mới có 20 tuổi. Bên cạnh đó, ông cũng trọng dụng Declan Rice là tiền vệ mới được Arsenal mua về từ West Ham với mức giá lên tới 100 triệu bảng (chưa kể phí phát sinh).
Với khả năng đánh chặn và thu hồi bóng siêu hạng, Rice là đối tác đáng tin cậy dành cho Bellingham. Nhờ có Rice quán xuyến hết nhiệm vụ hỗ trợ phòng ngự, tiền vệ đang nổi đình nổi đám ở Real có thể yên tâm phát huy hết khả năng sáng tạo và gây đột biến của mình. Nói tóm lại, Rice và Bellingham xứng đáng được xem như “cặp bài trùng”, và tuyến giữa của ĐT Anh hiện giờ cũng hơn hàng tiền vệ thiếu đồng bộ thời HLV Eriksson.
Tiền đạo
Khi tham dự EURO 2004, ĐT Anh đã cho trình làng tiền đạo Wayne Rooney năm đó còn chưa tới 20 tuổi. Sở dĩ cựu chân sút MU có được vinh dự như thế là bởi anh thực sự có đẳng cấp hơn người. Cho tới khi giã từ ĐT Anh năm 2018, “gã Shrek” đã có tới 120 lần khoác áo ĐTQG và ghi được 53 bàn thắng.
Nếu như ĐT Anh thế hệ 2004 có mũi tấn công sắc bén Rooney thì Tam sư hiện giờ cũng sở hữu Harry Kane đủ sức làm đối trọng. Trong danh sách các chân sút vĩ đại nhất lịch sử ĐT Anh, Kane thậm chí còn đang giữ vị trí quán quân với chiến tích ghi 59 bàn trong 86 trận. Ở tuổi 30, tiền đạo mới chuyển tới Bayern có hiệu suất ghi bàn cao hơn hẳn Rooney xếp thứ 2 (0,69 bàn/trận so với 0,44 bàn/trận) và còn có rất nhiều cơ hội nâng cao thành tích.
Ngoài Rooney và Kane, các cầu thủ tấn công còn lại của ĐT Anh ở cả thế hệ 2004 (Michael Owen, Darius Vassell, Jermain Defoe, Emile Heskey) hay bây giờ (Bukayo Saka, Phil Foden, Jack Grealish, Marcus Rashford) đều không gây được chú ý nếu nhìn vào số lượng bàn thắng.
HLV
Hồi còn nắm quyền ở ĐT Anh, HLV Eriksson có nhược điểm là hay lựa chọn cầu thủ dựa vào danh tiếng chứ không phải phong độ. Đơn cử như trường hợp cầu thủ Beckham không còn là chính mình kể từ sau World Cup 2002 song vẫn được HLV Eriksson “chọn mặt gửi vàng” ở World Cup 2006. Một hạn chế khác của HLV Eriksson là ông không ngăn chặn được sự kình địch giữa nhóm tuyển thủ tới từ Chelsea, MU và Liverpool. Hệ quả là ĐT Anh của HLV Eriksson chỉ vào đến tứ kết của 3 giải đấu lớn.
Trong khi đó, HLV Southgate tuy cũng trọng dụng một số cầu thủ mình đặc biệt ưa thích (chẳng hạn như Maguire), nhưng ông hơn HLV Eriksson ở chỗ sẵn sàng loại bỏ những tên tuổi lớn cỡ Sterling hay Rooney. Về thành tích, vị thuyền trưởng đương nhiệm của ĐT Anh cũng làm tốt hơn HLV Eriksson. Tuy vậy, nếu phân tích từng cá nhân, thế hệ 2004 lại xứng đáng có nhiều vị trí hơn trong ĐT Anh lý tưởng gộp chung các cầu thủ ngày ấy và bây giờ.