Sheikh Jassim đã đưa ra lời đề nghị thứ 6 trị giá tổng cộng hơn 6 tỷ bảng, bao gồm tiền mặt để tái phát triển cơ sở vật chất, tài trợ cho việc xây dựng lại sân Old Trafford và xóa khoản nợ hiện có của CLB. Tuy nhiên, với việc nhà Glazer từ chối lời đề nghị này, tỷ phú Qatar đã rút lui. Ông cũng cáo buộc các tỷ phú người Mỹ đã đòi một mức giá “vô lý”.
Thay vào đó, nhà Glazer đã bật đèn xanh cho tỷ phú giàu nhất nước Anh, Jim Ratcliffe mua 25% cổ phần của CLB. Các ông chủ của MU chuẩn bị thông qua khoản đầu tư của Ratcliffe tại cuộc họp hội đồng quản trị vào cuối tuần này. Khoản đầu tư của Ratcliffe được cho là bước đầu tiên hướng tới việc tiếp quản dần dần, mà cuối cùng sẽ là sự ra đi của nhà Glazer. Tuy nhiên, quá trình này có lẽ còn rất lâu nữa mới hoàn thành.
Giờ đây, Sir Jim Ratcliffe sẽ gia nhập Premier League với tư cách là một trong những chủ sở hữu giàu nhất của giải đấu. Lúc này, giá trị tài sản ròng của người đàn ông 70 tuổi này lên tới 29,3 tỷ bảng. Vậy tài sản của ông so với các chủ Ngoại hạng Anh như thế nào?
Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia (Newcastle) – 538 tỷ bảng
Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF) đã mua Newcastle United vào năm 2021, và ngay ngập tức mang về những thành công bước đầu tại CLB vùng Đông Bắc nước Anh. Nhờ sự đầu tư mạnh tay của giới chủ Saudi Arabia, sau khi thoát hiểm ngoạn mục ở mùa giải 2021/22, Newcastle đứng thứ 4 ở Ngoại hạng Anh 2022/23 và có suất dự Champions League 2023/24.
PIF sở hữu 80% cổ phần của CLB Premier League. Yasir Al-Rumayyan – Thống đốc của PIF, cũng trở thành chủ tịch Newcastle. Bây giờ, người ta chờ đợi Newcastle tiếp tục tiến xa hơn nữa ở Premier League, cũng như trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Man City trong cuộc đua vô địch.
Sheikh Mansour (Man City) – 17,3 tỷ bảng
Thời kỳ thành công của Man City gắn liền với ông chủ Sheikh Mansour – người đứng đầu tập đoàn Abu Dhabi United. Gắn bó với đội chủ sân Etihad từ năm 2008, Mansour đã mạnh tay chi những khoản tiền khổng lồ trên thị trường chuyển nhượng để tăng cường sức mạnh và xây dựng lên một đế chế hàng đầu thế giới như thời điểm hiện tại.
Ngoài Man City, Sheikh Mansour còn là chủ sở hữu của một chuỗi các CLB thuộc City Football Group như New York City (Mỹ), Melbourne City (Australia), Mumbai City (Ấn Độ), Lommel SK (Bỉ), hay Montevideo City Torque (Uruguay). Cú ăn ba lịch sử của Man City ở mùa giải 2022/23 chính là thành công lớn nhất mà đội bóng giành được sau thời gian dài được Sheikh Mansour đầu tư.
Stan Kroenke (Arsenal) – 12 tỷ bảng
Doanh nhân người Mỹ này là một nhà đầu tư nổi tiếng trong lĩnh vực thể thao, khi sở hữu các đội như CLB bóng rổ Denver Nuggets, đội bóng bầu dục Los Angeles Rams và đội khúc côn cầu Colorado Avalanche. Từ chỗ là cổ đông vào năm 2007, Stan Kroenke đã trở thành chủ sở hữu lớn nhất của Arsenal từ năm 2011 đến nay.
Kroenke sở hữu Pháo thủ thông qua công ty Kroenke Sports & Entertainment và chứng kiến sự kết thúc của kỷ nguyên Arsene Wenger. Sau nhiều năm mất phương hương, Arsenal của Kroenke đang trên đà hồi sinh cùng HLV Mikel Arteta. Pháo thủ đang thách thức danh hiệu vô địch Ngoại hạng Anh với Man City.
Todd Bohley, Mark Walter và Hansjorg Wyss (Chelsea) – 10,86 tỷ bảng
Liên minh Todd Bohley, Mark Walter và Hansjorg Wyss đã hoàn thành việc tiếp quản CLB Chelsea vào cuối tháng 5/2022. Để thâu tóm The Blues, liên minh các nhà đầu tư Mỹ và Thụy Sĩ (đứng đầu là Todd Boehly) đã chi ra 4,25 tỷ bảng. Trong đó có 2,5 tỷ bảng được dùng để mua cổ phần Chelsea. Toàn bộ số tiền này được được gửi vào một tài khoản ngân hàng do Chính phủ Anh quản lý và sẽ dùng cho mục đích từ thiện. Đây là thông tin được chính tỷ phú Abramovich xác nhận.
Todd Boehly, 49 tuổi, là một doanh nhân người Mỹ gốc Đức. Boehly đang sở hữu trong tay khối tài sản ước tính 4,72 tỷ bảng. Boehly là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của công ty đầu tư tư nhân Eldridge Industries. Ngoài ra, ông còn có chân trong ban lãnh đạo của một số công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau như công nghiệp giải trí, bất động sản, kinh doanh ăn uống, dịch vụ việc làm…