Kiểm soát bóng chưa phải là tất cả
Trên sân Đại Liên tối 10/10, ĐT Việt Nam đã gây bất ngờ khi giành tỷ lệ kiểm soát bóng lên đến 63%. Thậm chí có những thời điểm lên đến 65,2%, vượt trội so với đội bóng xếp trên gần 20 bậc trên bảng xếp hạng FIFA. Thế nhưng, hơn 90 phút so giày, các học trò của HLV Philippe Troussier chỉ có 9 dứt điểm so với 13 của Trung Quốc. Hai trong số những cơ hội mà đội chủ nhà có được đã được chuyển hoá thành bàn thắng.
HLV Aleksandar Jankovic của ĐT Trung Quốc thừa nhận, các học trò chơi không tốt ở 45 phút đầu tiên. Các cầu thủ đội chủ nhà đã gặp vấn đề về tâm mặt tâm lý và họ mất kiểm soát. Còn HLV Philippe Troussier nói rằng, ĐT Việt Nam đã chơi kiểm soát bóng được trước đối thủ. Vì thế không có lý do gì để không tiếp tục theo đuổi lối chơi đặc trưng mới. ĐT Việt Nam cần thêm thời gian hoàn thiện với mục tiêu thoát ra được Đông Nam Á, tiến ra châu Á và thế giới.
Nhìn ở lăng kính tích cực, ĐT Việt Nam đã cố gắng hoàn thành những mục tiêu giành quyền kiểm soát bóng. Những gì đã có trong hiệp đấu đầu tiên hay toàn trận, ít nhiều các học trò của HLV Troussier đã thành công. Tiếc thay, những con số ấn tượng ấy chưa mang đến những điều cần có là số cơ hội được tạo ra và bàn thắng có được vào lưới đối phương. Đến đây sẽ có nhiều người đặt ra câu hỏi về sự hiệu quả, giành quyền kiểm soát bóng vượt trội để làm gì?.
Như HLV Troussier đã nói, đội bóng của ông cần thời gian để thay đổi tư duy, để biến những ý tưởng thành bàn thắng. Thực tế, chẳng phải không có cơ hội mà Tuấn Hải, Hùng Dũng… chưa thành công với những cú dứt điểm của mình. Bài toán tấn công không hề đơn giản với ĐT Việt Nam lúc này. Bản thân ông Troussier cũng từng nhiều lần đề cập đến chuyện tiền đạo. Có thể vì nguyên do này, ông từng phải đẩy Hoàng Đức lên đá như một tiền đạo. Trận đấu với ĐT Trung Quốc, tiền vệ của Viettel cũng đã xuất hiện ở vòng cấm địa khá nhiều. Dường như người đồng nghiệp Jankovic phân tích rất kỹ và đã có phương án ngăn chặn con “át chủ”. Hơn 90 phút, Hoàng Đức gần như không có nỗi một cú sút đáng chú ý nào.
Những bài toán và khoảng trống cần lấp đầy
Sự “biến mất” của Hoàng Đức ở khu vực 1/3 sân đối thủ đã khiến Việt Nam gặp khó trong ý tưởng tấn công. Trong khi những đồng đội xung quanh chưa phát huy được sự sáng tạo, hoặc họ bị hạn chế bởi vị trí. Khi bài toàn tấn công chưa được giải, những khoảng trống sau lưng đã bị đối thủ khai thác. Việt Hưng và Tiến Anh, những tiền vệ có xu hướng tấn công vẫn còn bỡ ngỡ trong vai trò hai cầu thủ chạy cánh. Hai cầu thủ này, hay sau đó 2 “sao mai” được vào thế chỗ Văn Cường và Văn Khang cần có thêm thời gian để học cách phòng ngự. Trung Quốc đã khai thác rất tốt khoảng trống ở biên, với 1 cú đánh đầu đập cột dọc của Tan Long (phút 35), hay cú treo bóng ở biên để Wang Quiming bắt vô lê mở tỷ số ở phút 55.
Các tiền vệ của ĐT Việt Nam đã giành quyền kiểm soát bóng nhưng chỉ ở hiệp đầu. Còn hiệp 2 đã không giữ được lợi thế đó. Thậm chí, Hoàng Đức đã mắc lỗi trong bàn thua thứ 2. Nó cũng cho thấy, sợ dây thông tin ở giữa sân chưa ổn. Cũng phải nói thêm, hàng phòng của ĐT Việt Nam chưa tốt trong các tình huống chống bóng bổng hay các tình huống theo 1 đối 1. Có thể thấy, ĐT Việt Nam còn những cần khắc phục những hạn chế trong khâu tấn công và lấp đầy những khoảng trống ở hàng phòng ngự. Thêm một điểm nữa, thể lực cũng cần cải thiện để không bị hụt hơi khi chơi pressing liên tục…
Nói tóm lại, những điểm sáng trận đấu với Trung Quốc mang đến những tín hiệu vui. Như ông Troussier nói, ĐT Việt Nam sẽ theo đuổi và thay đổi để hoàn thiện. Trên hành trình đến vòng loại World Cup 2026, các học trò của nhà cầm quân người Pháp rất cần những trận đấu với ĐT Trung Quốc để khắc phục những điểm yếu của mình. Uzbekistan, đối thủ mà ĐT Việt Nam đá giao hữu vào ngày 13/10 tới đây có phong cách rất khác Trung Quốc. Có thể HLV Troussier sẽ tiếp tục thử nghiệm. Nhưng chắc chắn, sẽ có một ĐT Việt Nam tốt hơn, ít nhất những sai số sẽ không còn xuất hiện nhiều như trận thua Trung Quốc.