Hình ảnh mặt sân Mỹ Đình xuống cấp trầm trọng ở trận Việt Nam vs Australia vừa qua phản ánh thực trạng đáng buồn của không ít những mặt sân tại Việt Nam trong thời gian qua. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng chuyên môn của nhiều trận đấu.
“Mặt sân Mỹ Đình như bãi cỏ chăn bò”
Trước trận đấu giữa Việt Nam vs Australia, phóng viên Lee Gaskin của tờ Sydney Morning gây sốc khi đăng tải trên Twitter trang cá nhân dòng trạng thái mỉa mai mặt sân Mỹ Đình xấu như mặt cỏ chăn bò. Hành động này nhận được sự phản ứng dữ dội của các CĐV bóng đá Việt Nam.
Phóng viên người Australia sau đó thậm chí còn bị mất tài khoản Twitter trong cơn thịnh nộ của các CĐV Việt Nam. Tuy nhiên, khi chứng kiến cuộc đối đầu giữa Việt Nam vs Australia, có thể thấy những lời nhận xét của phóng viên Lee Gaskin không phải không có cơ sở.
Chỉ cần theo dõi trận đấu qua sóng truyền hình, các khán giả cũng không khó để phát hiện ra sự xuống cấp rõ rệt của chất lượng mặt sân Mỹ Đình. Phần cỏ không được cắt đều. Bên cạnh đó, xuất hiện những ổ trâu, ổ gà trên mặt sân.
Mặt cỏ đã xấu lại càng trở nên thảm hại hơn sau những tình huống tranh chấp hay di chuyển ở tốc độ cao của các cầu thủ. Điều này khiến chất lượng chuyên môn của trận đấu chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Không chỉ Australia mà chính ĐT Việt Nam cũng gặp bất lợi nhất định từ chất lượng mặt sân không đảm bảo. Một trong số đó phải kể tới cơ hội ăn bàn của Quang Hải ở ngay phút thứ 7. Tiền vệ số 19 của ĐT Việt Nam đáng ra đã có thể làm tốt hơn trong cú dứt điểm của mình nếu trái bóng không bị nảy lên quá cao do mặt sân xấu.
Sau trận đấu, truyền thông Australia lại tiếp tục mỉa mai mặt cỏ sân Mỹ Đình. Tờ New Sports đăng tải bài viết với tiêu đề: “Socceroos giành chiến thắng 1-0 trước Việt Nam trên bãi cỏ chăn bò.”
Tờ báo này cho rằng lối chơi kỹ thuật của tuyển Australia đã bị ảnh hưởng do mặt sân Mỹ Đình: “Các cầu thủ Australia đã gặp khó khăn trong việc tạo ra cơ hội trước khung thành của ĐT Việt Nam. Nguyên nhân phần lớn là vì mặt sân tại SVĐ Mỹ Đình. Khán giả khi xem qua TV cũng đã phải lên tiếng chỉ trích.”
Trung vệ Trent Sainsbury sau khi thi đấu trên sân Mỹ Đình trả lời phỏng vấn kênh My Football (Australia): “Chúng tôi đã biết trước rằng trận đấu với ĐT Việt Nam sẽ diễn ra khó khăn. Mọi người cũng nói khá nhiều về chất lượng sân thi đấu. Ước gì Australia có thể đấu với ĐT Việt Nam trên một mặt sân tốt hơn, như thế chúng tôi sẽ mang đến thứ bóng đá tuyệt vời hơn.”
Sự thật đáng buồn
Sau trận đấu giữa Việt Nam vs Australia, các CĐV đã phải ngã ngửa với sự thật phũ phàng. Đã 10 năm qua mặt cỏ sân Mỹ Đình chưa được thay mới. Lần gần nhất đã diễn ra từ năm 2011. Theo nguyên tắc, cứ khoảng 3-4 năm, mặt sân Mỹ Đình cần phải thay cỏ.
Số tiền 350 triệu mà VFF phải bỏ ra cho Khu Liên hiệp Thể Thao Quốc gia để thuê sân Mỹ Đình cho mỗi trận đấu của ĐT Việt Nam chỉ được dùng để chăm sóc mặt cỏ và phục vụ những chi phí cần thiết như điện nước, vệ sinh…
Hình ảnh mặt sân Mỹ Đình tồi tệ phản ảnh thực trạng đáng buồn của không ít những mặt sân tại Việt Nam hiện nay. Những năm qua, phải ghi nhận việc nhiều đội bóng đã chú trọng hơn đến chất lượng sân bãi.
Vậy nhưng những Hàng Đẫy, Pleiku hay Thống Nhất chỉ là số ít những sân bóng có mặt cỏ tiêu chuẩn. Những SVĐ kể trên phục vụ những đội bóng có lối chơi ban bật, kiểm soát bóng. Ngay cả như vậy, những sân này vẫn có những vấn đề nhất định mỗi khi trời mưa.
Vẫn còn đó không ít những mặt sân mà khi nhắc tới thì các CĐV chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán, gây ảnh hưởng tới hình ảnh bóng đá Việt Nam.
Sân Thanh Hoá từng là tâm điểm chỉ trích của dư luận khi có chất lượng mặt sân xuống cấp trầm trọng. Các cầu thủ và người hâm mộ từng ngán ngẩm với sự thiếu sức sống của màn cỏ nơi đây.
Ngoài ra, sân Vinh có thời điểm tồi tệ đến mức BTC V.League phải gửi văn bản yêu cầu CLB Sông Lam Nghệ An khẩn trương nâng cấp mặt sân nếu không muốn bị tước quyền thi đấu trên sân nhà.
Thậm chí, CLB Hải Phòng còn để lại câu chuyện dở khóc dở cười với hình ảnh sân Lạch Tray có rau trồng sau cầu môn hay cảnh chó chạy gà gáy phía dưới khán đài.
Thực tế, hầu hết các đội bóng đều ít nhiều cố gắng cải thiện mặt sân. Song, việc có làm quyết liệt hay không lại là vấn đề khác.
Không ít đội bóng chỉ nâng cấp mặt sân với mục đích xoa dịu dư luận trước hàng loạt chỉ trích. Nhiều SVĐ đã được “thay áo mới” đầy hoành tráng nhưng rồi đâu lại vào đấy sau một thời gian ngắn khi tần suất các trận đấu ở V.League diễn ra dày đặc. Và rồi một vòng luẩn quẩn tiếp tục lặp lại.
Sau tất cả, chất lượng mặt sân ở Việt Nam vẫn trở thành vấn đề đau đáu. Sự thật phũ phàng khi vấn đề ấy che mờ đi những tiến bộ đáng ghi nhận của bóng đá Việt Nam trong suốt thời gian qua.