Kylian Mbappe vẫn đang thuộc biên chế của PSG cho dù đến tháng 1/2022, anh có thể ra đi với tư cách cầu thủ tự do. Sự bình thản của PSG càng khiến mọi thứ thêm khó hiểu. Có lẽ nào, màn trả giá tới hơn 200 triệu euro cách đây hơn tuần của Real Madrid chỉ là màn kịch của những kẻ trong cuộc?
Vào chiều thứ Hai tuần trước, một ngày trước khi kỳ chuyển nhượng mùa hè kết thúc, chủ tịch Nasser Al-Khelafi của PSG đã dành nhiều thời gian cho công việc của người đứng đầu Hiệp hội các CLB châu Âu sau 5 tháng nhậm chức. Hiệp hội này đại diện cho lợi ích của các bên liên quan thuộc ba giải đấu CLB của UEFA.
Các GĐĐH của các CLB bóng đá trên khắp châu Âu đã đề nghị Al-Khelafi đảm nhiệm vai trò này sau khi người tiền nhiệm Andrea Agnelli từ nhiệm khi cuộc cách mạng European Super League thất bại. Nasser Al-Khelafi nghiên cứu rất kỹ yêu cầu mang tính thách thức của FIFA rằng các CLB phải chấp nhận nhả cầu thủ để phục vụ chiến dịch Vòng loại World Cup 2022.
Nhưng người ta đã nghĩ rằng, vào thời điểm đó, Al-Khelafi đang lo sợ sẽ mất món tài sản quý giá Kylian Mbappe ngay trong mùa hè này. Tương lai của tiền đạo người Pháp đã thống trị khắp các trang bảo suốt cả tuần cuối cùng trước hạn chót tối thứ Ba. Hợp đồng hiện tại của Mbappe sẽ hết hạn sau mùa giải này và anh được cho là đã 2 lần từ chối lời đề nghị gia hạn của PSG.
Giám đốc thể thao Leonardo, vào tuần trước, đã nói rằng “rõ ràng Mbappe muốn ra đi”. Real Madrid đã theo đuổi Mbappe và đưa ra lời mức giá 160 triệu euro cho tiền đạo 22 tuổi vào thời điểm 1 tuần trước khi kỳ chuyển nhượng khép lại. Thật kỳ lạ khi tin tức này lại xuất hiện công khai trước khi PSG nhận được nó vào buổi tối hôm đó. Cuối cùng cũng có thứ để PSG phải cân nhắc nhưng họ nhanh chóng đưa ra lời từ chối.
PSG lắc đầu bởi họ vẫn nợ Monaco 36 triệu euro trong thương vụ trị giá 180 triệu euro đưa Mbappe đến Paris cách đây 4 năm và họ phải thanh toán khoản đó trong vòng một tuần nữa.
Như vậy, thực tế nếu chấp nhận đề nghị của Real, PSG chỉ nhận được 124 triệu euro, khoản tiền không tương xứng với một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong vài năm gần đây. Những gì xảy ra tiếp theo là một màn tranh cãi giữa những người trong cuộc.
Hôm thứ Tư, ngày 25/8, một ngày sau khi Real đưa ra lời đề nghị, giám đốc Leonardo quyết định nói chuyện trước công chúng. Ông nêu một số gợi ý để Real đưa ra con số hấp dẫn hơn và có cảm giác rằng trong suốt 2 tuần qua, PSG đã chuẩn bị sẵn sàng bán Mbappe nếu nhận được mức giá lý tưởng từ 200 đến 220 triệu euro, tương đương với khoản tiền kỉ lục PSG đã phải bỏ ra 4 năm trước để ký hợp đồng với Neymar từ Barcelona.
Leonardo nói: “Nếu Mbappe muốn ra đi, PSG sẽ xem xét nhưng mọi thứ phải theo điều kiện mà chúng tôi đề ra”. Ngày hôm sau, Al-Khelaifi nhắc lại quan điểm này và khẳng định “lập trường của CLB rất rõ ràng.”
Trong những ngày tiếp theo, truyền thông châu Âu loan tin Real đã đưa ra lời đề nghị thứ hai trị giá 180 triệu euro – bằng với khoản tiền mà PSG đã bỏ ra để mua Mbappe (ít nhất là về phí chuyển nhượng). Chủ tịch Florentino Perez tự tin rằng h2 CLB sẽ sớm đạt được thoả thuận.
Tuy vậy, trên thực tế, không có lời đề nghị thứ hai chính thức nào cả, mặc dù báo giới Pháp khẳng định là có. PSG vẫn không đồng ý bởi mức giá dó vẫn thấp hơn mong muốn của họ. Những tin tức về việc Real đưa ra mức giá cuối cùng trị giá 200 triệu euro vào phút chót cũng chưa được kiểm chứng.
Nhiều tờ báo đã hỏi trực tiếp Real: Có đúng là họ chỉ đưa ra 1 lời đề nghị chính thức hay không? Nhưng Real chỉ im lặng không phủ nhận hay khẳng định. Những gì chúng ta có thể “đọc vị” là nhiều người muốn được hưởng lợi nếu thương vụ này thật sự diễn ra, nhất là người đại diện cầu thủ.
Nếu kịch bản đẹp nhất xảy ra, PSG sẽ ngay lập tức có thêm 200 triệu euro để mua sắm. Họ có thể đưa về những cầu thủ như Pau Pogba của Man United, tiền vệ Eduardo Camavinga của Rennes (người giờ đây đã thuộc về Real Madrid), Richarlison của Everton và Erling Haaland của Borussia Dortmund.
Đương nhiên là PSG cần một kế hoạch dự phòng cho viễn cảnh Kylian Mbappe ra đi, nhưng không có sự liên hệ nào giữa họ và những cầu thủ kia trong 48 giờ cuối cùng của kỳ chuyển nhượng. Tất cả đều nói lên sự tin tưởng thầm lặng của PSG trong việc giữ Mbappe ở lại CLB ít nhất trong mùa giải này.
Sự tự tin đó chỉ được thúc đẩy bởi các sự kiện ở thành phố Reims của Pháp vào tối Chủ nhật, khi Lionel Messi có trận ra mắt PSG nhưng màn trình diễn của Mbappe cũng rất ấn tượng. Tiền đạo mang áo số 7 ghi cả hai bàn trong chiến thắng 2-0, ăn mừng vui vẻ với các đồng đội và không có gì cho thấy tâm trí anh đang hướng về một nơi nào khác.
Mbappe cũng không thể hiện thái độ tiêu cực nào trong các buổi tập hay họp báo, điều các cầu thủ muốn tìm bến đỗ mới thường làm, giống như Harry Kane của Tottenham. Tiền đạo này đã không trả lời câu hỏi về kế hoạch rời PSG, anh trở lại tập luyện đúng thời gian sau kỳ nghỉ và chăm chỉ trong mọi buổi tập và trận đấu.
El Chiringuito là một chương trình truyền hình đêm khuya dạng “lá cải” ở Tây Ban Nha và là diễn đàn mà Perez đã sử dụng để kêu gọi sự ủng hộ của công chúng đối với Super League vào tháng Tư. Chương trình này đã tăng cường độ phủ sóng về Mbappe, với khuôn mặt của anh hiện lên đầy ấn tượng trên đồng hồ đếm ngược, tạo ấn tượng về một vụ chuyển nhượng sắp xảy ra.
Vào cuối tuần, sau khi thị trường chuyển nhượng đóng cửa, tờ báo AS đã đăng một bức ảnh Mbappe mặc áo đấu của PSG và bị nhốt trong song sắt nhà tù. Các báo cáo từ Tây Ban Nha tuần trước cũng cho biết Perez có thể trực tiếp đàm phán với nguyên thủ Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, thay vì tổ chức các cuộc thảo luận với các đối tác điều hành tại PSG do Qatar sở hữu.
Các nguồn tin riêng thân cận với Real đã phản bác vào ngày thứ Sáu vừa qua rằng Perez tiếp tục nuôi hy vọng có thể ký hợp đồng với Mbappe vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng và đã làm mọi điều có thể.
Họ cũng chỉ ra rằng việc bán Raphael Varane, Sergio Reguilon, Achraf Hakimi và Martin Odegaard, đồng thời gạch Sergio Ramos và James Rodriguez khỏi danh sách trả lương trong 2 mùa hè qua là nhằm dọn đường đón Mbappe.
Sau đêm thứ Ba, một cuộc tranh luận mới đã xuất hiện. Nó tập trung vào khả năng PSG từ chối 200 triệu euro cho một cầu thủ đang ở năm cuối của hợp đồng để có thể thương lượng với các CLB nước ngoài về một động thái vào mùa hè tới, dù họ sẽ không nhận được bất kỳ khoản phí chuyển nhượng nào kể từ tháng 1/2022.
Các nhà chuyên môn cho rằng điều này chứng tỏ PSG, được hậu thuẫn bởi sự giàu có của Qatar, có thể đủ khả năng để hành xử theo cách mà hầu hết các CLB khác ở châu Âu không bao giờ có thể nghĩ đến. Họ cũng lập luận rằng việc bỏ lỡ một khoản thu khủng như vậy là một sự rủi ro khó chấp nhận.
Điều đầu tiên cần nói, PSG đã từ chối một lời đề nghị cao tới 200 triệu euro. Ngoài ra, cho đến nay, mặc dù Mbappe từ chối gia hạn hợp đồng, PSG vẫn tin rằng họ có thể thuyết phục ngôi sao của mình nên không tỏ ra quá sốt sắng rao bán ngay Mbappe.
Thật vậy, vào tháng 6/2021, PSG đã tuyên bố rằng họ đã thuyết phục Mbappe gia hạn hợp đồng và mọi việc phải trì hoãn lại một chút đơn giản vì Mbappe hy vọng sẽ thi đấu tốt cho Pháp ở EURO 2020 nhằm có được bản hợp đồng mới béo bở hơn.
Nhưng mọi thứ đã không diễn ra đúng kỳ vọng của Mbappe, khi anh không ghi được bàn nào và đá hỏng quả phạt đền quyết định trong trận thua sốc trước Thụy Sĩ ở vòng 16. Tin tức từ phòng thay đồ PSG cho biết Mbappe đã rất thất vọng và mất tự tin trước những lời chỉ trích.
Khi Messi gia nhập PSG vào giữa tháng 8, CLB liền khẳng định siêu sao này không phải là người thay thế Mbappe và việc ký hợp đồng với Messi chẳng qua là sự nắm bắt cơ hội nhanh chóng chứ không phải là một chiến lược dài hạn, được lên kế hoạch bài bản.
Đó không phải là chính sách chiêu mộ một cầu thủ nhằm lấp đầy khoảng trống trong trường hợp Mbappe rời đi. Đây thậm chí là một trong những lý do khiến PSG vẫn hy vọng có thể lôi kéo Mbappe gia hạn hợp đồng.
PSG rất linh hoạt trong cách tiếp cận. Họ có thể đưa ra một hợp đồng ngắn hạn để bảo vệ quyền sở hữu hoặc một thỏa thuận dài hạn để đảm bảo Mbappe sẽ tiếp tục công hiến những năm tháng đỉnh cao trong sự nghiệp. PSG hy vọng một vài tháng thi đấu cùng Messi và Neymar, cộng với sự tác động của HLV Mauricio Pochettino sẽ giúp Mbappe thay đổi suy nghĩ.
Kể từ khi Messi đến PSG, giải Ligue 1 đã làm mọi cách để phát triển các hợp đồng truyền hình mới tại Ấn Độ, Việt Nam, Bỉ, và nhiều quốc gia khác. Rõ ràng, hiệu ứng của Messi tại PSG và Ligue 1 rất lớn.
Trong khi Man United tuyên bố sự trở lại của Cristiano Ronaldo là vụ chuyển nhượng được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử Twitter thì PSG đã tính toán rất kĩ càng, dựa trên phân tích các đề xuất trên MXH bằng tiếng Trung, Nhật, Hàn, Nga, Ả Rập… và tin rằng trong 7 ngày đầu tiên kể từ khi công bố bản hợp đồng, số lượng đề cập về Messi và PSG nhiều hơn so với Ronaldo và Man United.
Đội ngũ thương mại của CLB khẳng định bộ ba tấn công mới của họ sẽ mang lại những cơ hội tiếp thị và tài trợ mới, đồng thời, về mặt nội bộ, họ cũng nói lên giá trị ngày càng tăng của PSG nói chung khi sở hữu ba trong số những cầu thủ ưu tú nhất của bóng đá thế giới.
Ngoài ra, tham vọng về những vinh quang trong tương lai, chẳng hạn như chức vô địch Champions League lần đầu tiên vào năm 2022 sẽ tạo nên bước ngoặt cho CLB và là sự thúc đẩy cực mạnh mé về mặt thương mại khi cùng năm, World Cup sẽ được tổ chức tại Qatar và số dự án tại quốc gia vùng Vịnh này là miếng mồi ngon béo bở mà PSG đang nhắm đến.
PSG đã đem về rất nhiều cầu thủ trong mùa hè này gồm Gianluigi Donnarumma, Ramos, Georginio Wijnaldum và Messi dưới dạng chuyển nhượng tự do. Điều đó nhấn mạnh khả năng tiếp cận của các thế lực mới đang sẵn sàng thay thế các lão làng như Barcelona, Madrid hay Juventus.
Chủ tịch La Liga là Javier Tebas đã đăng trên Twitter: “Các CLB ở vài quốc gia cũng có thể gây nguy hiểm đối với hệ sinh thái bóng đá như Super League. Chúng ta chỉ trích Super League và cả PSG vì nó phá hủy bóng đá châu Âu. Tổn thất bởi COVID-19 lên đến hơn 300 triệu euro, doanh thu truyền hình ở Pháp giảm 40% nhưng họ vẫn tăng 500 triệu euro tiền lương? Không thể tin nổi”.
Tebas không đơn độc trong nỗi sợ hãi và thù ghét PSG. Bayern Munich, đội đã cùng PSG để phản đối Super League, cũng đã lên tiếng công khai. Chủ tịch Herbert Hainer đã phát biểu và khiến Al-Khelaifi tức giận khi tự hỏi làm thế nào việc ký hợp đồng với Messi “đi cùng với luật Công bằng Tài chính”.
Do đó, có một số người ưa thuyết âm mưu tự hỏi liệu màn thương lượng của Real với Mbappe có thật không hay chỉ là một vụ làm màu. Thậm chí, có người cho rằng Real đã sử dụng vụ này để cảnh báo tất cả về sức mạnh của những CLB được tài trợ bởi các tập đoàn nhà nước vốn rất hùng mạnh về tài chính.
Bóng đá Tây ban Nha chắc chắn đang suy yếu và sẽ khó có thể gượng dậy trong ngắn hạn. Điều đó thể hiện qua chi phí chuyển nhượng ròng của các CLB ở TBN cộng lại trong mùa hè này chỉ bằng 1/10 so với khoản đầu tư mà các đội bóng ở Premier League đã chi ra, trong khi La Liga đã mất Varane, Ramos và Messi trong cùng một kỳ chuyển nhượng.
Có lẽ đây là lý do tại sao PSG, sau khi nghe Perez kêu ca về sự nghèo khó và biết một SVĐ trị giá 600 triệu euro được xây dựng lại ở Bernabeu cùng khoản lỗ 300 triệu euro bởi đại dịch COVID-19, thực sự nghi ngờ rằng CLB này có đủ tiền để mua Mbappe.
Nhiều người hiểu Real cũng cho rằng, thương vụ này chẳng qua là một chiến dịch PR tích cực với 2 mục tiêu. Thứ nhất, Real muốn Mbappe thấy họ nghiêm túc trong việc chiêu mộ. Thứ hai, họ khiến châu Âu ấn tượng rằng Real vẫn là CLB khổng lồ luôn nhắm đến những tài năng hàng đầu thế giới.
Về phần Mbappe, anh sẽ có một năm để thể hiện tài năng của mình cùng với Messi và Neymar nhằm đem về thêm các danh hiệu cho bản thân và CLB. Sau đó, anh có thể chọn ở lại PSG với một khoản lương cao hơn hoặc ký hợp đồng kỷ lục với tư cách cầu thủ tự do ở đội bóng khác.
Dù thế nào, Mbappe cũng là người chiến thắng và hãy chờ xem CLB nào sẽ sở hữu ngôi sao này trong năm tới.