Khổ như Ten Hag! Trong hơn 20 năm theo đuổi nghiệp cầm quân trước đây, những khó khăn và thách thức mà ông phải đối mặt gộp lại có lẽ cũng không bằng những gì ông phải đương đầu trong chưa đầy 20 tháng làm việc ở Old Trafford.
Trong khi riêng việc đánh thức gã khổng lồ đang ngủ quên MU đã đủ nặng nề và mệt mỏi, Ten Hag lại còn liên tục phải xử lý những rắc rối rất lớn nơi hậu trường, mà cụ thể hơn là kỷ luật của các cầu thủ. Cứ như thể biệt danh “thầy Mười khó” mà các fan bóng đá Việt Nam đặt cho ông nó đang vận vào người vậy!
Cho tới thời điểm này thì Ten Hag vẫn đang làm rất tốt. Ông đã xử lý rất cương quyết vụ Cristiano Ronaldo vô kỷ luật. Dù rất nhiều CĐV của United vẫn yêu và quý CR7, họ đều cho rằng Ten Hag và đội bóng đã làm đúng khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với anh ta.
Ten Hag cũng xử lý tương lai của một công thần khác là thủ thành David de Gea, người mà ai cũng biết là không hợp với phong cách của ông, một cách hết sức nhẹ nhàng. Tương tự là câu chuyện với tấm băng đội trưởng của Harry Maguire.
Cứ tưởng là một năm nhiệt tình dẹp loạn, Ten Hag cuối cùng cũng có thể chuyên tâm vào chuyên môn và xây dựng một MU theo ý mình. Nhưng không, chưa đủ 10 kiếp nạn thì ông chưa được nghỉ ngơi đâu. Chỉ trong vòng có mấy ngày, Old Trafford rúng động với hai vụ “nổ bom” liên tiếp.
Đầu tiên là câu chuyện Antony bị loại khỏi đội tuyển Brazil do đang thuộc diện điều tra nghi án bạo hành bạn gái cũ. Và sau đó lại tới chuyện Jadon Sancho công khai “bật” lại khi Ten Hag giải thích lý do không chọn cầu thủ này cho trận đấu với Arsenal.
Vụ Antony nghiêm trọng, nhưng dù sao thì vấn đề cũng xuất phát từ cầu thủ này và có thể được xử lý bằng cách loại bỏ anh ta, như từng xảy ra với Mason Greenwood (dù cái giá là quá đắt). Vụ Sancho mới thật sự đáng ngại. Nếu Ten Hag xử lý không khéo, phòng thay đồ của MU có nguy cơ “tan nát”.
Quá mạnh tay thì bản thân Sancho sẽ phản ứng và “những người bạn” của anh ta có thể gây chuyện. Nhưng quá mềm mỏng thì Sancho có thể sẽ lấn tới, và khi đó là quyền lực của Ten Hag sẽ trở về số mo.
Đấy là một cuộc chiến mà Ten Hag không được phép thua. Và bất chấp điều gì xảy ra, ông phải làm cho cả thế giới thấy rằng mình là người chiến thắng. Đấy là điều không hề dễ dàng, nhưng không thể không làm. Nếu cảm thấy quá bối rối, Ten Hag có thể xin tư vấn từ người tiền nhiệm Ferguson.
Thực tế là Sir Alex cũng từng phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự trong những ngày đầu ở MU. Tình thế của Sir Alex lúc đó còn khó khăn hơn khi MU nát từ trên xuống dưới, cầu thủ không ai không uống rượu, thậm chí Paul McGrath và Norman Whiteside còn say xỉn ngay trên sóng truyền hình.
Sir Alex đã làm gì? Thẳng tay loại bỏ những thành phần bất hảo trong đội? Không, ông âm thầm chịu đựng. Cả McGrath lẫn Whiteside còn ở lại MU thêm 3 năm nữa rồi mới đi. Trong thời gian ấy, Sir Alex âm thầm củng cố quyền lực cho bản thân. Và đến khi ông có được danh hiệu vô địch Premier League đầu tiên vào năm 1993, thì ông đã đạt tới vị thế không thể đụng đến.
Bài học cho Ten Hag, vì thế là không nên quá vội vàng trong cuộc chơi quyền lực. Và, quan trọng không kém, hãy chứng minh mình đủ giỏi, bằng những danh hiệu lớn.