Ngày 20/8 vừa rồi, ĐT nữ Tây Ban Nha đã làm nên lịch sử khi đánh bại ĐT nữ Anh để lần đầu giành chức vô địch thế giới. Nhưng buổi tối tuyệt vời ở Sydney (Australia) của các cô gái xứ sở bò tót đã bị hủy hoại, bởi những hành động sỗ sàng của Rubiales, người khi ấy đang giữ cương vị chủ tịch LĐBĐ nước này (RFEF).
Rubiales đã ôm ghì lấy Hermoso, rồi hôn lên môi tiền đạo này trên bục trao huy chương. Trước đó, ông cũng có một hành vi khiếm nhã, khi đặt tay vào chỗ kín để ăn mừng bàn thắng của Olga Carmona, ngay trong khu VIP trên khán đài. Tất nhiên, những hành động ấy không thoát khỏi ống kính máy quay, và Rubiales nhanh chóng phải trả giá.
Chỉ có điều, người trừng phạt cựu trung vệ từng khoác áo Levante lại không phải là các tổ chức của Tây Ban Nha, mà là FIFA. Đích thân Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez đã kêu gọi Rubiales từ chức sau vụ scandal, nhưng không thể làm gì hơn vì quy định chính phủ không được can thiệp vào LĐBĐ. Nhưng FIFA thì lập tức vào cuộc, và ra lệnh đình chỉ tham dự các hoạt động bóng đá trong 90 ngày với vị lãnh đạo này.
LĐBĐ Tây Ban Nha (RFEF) sau đó bổ nhiệm một ban lãnh đạo tạm thời, những người đã mau chóng lên kế hoạch đẩy Rubiales khỏi tổ chức. Hôm thứ Ba (5/9), họ ra một thông báo chính thức, để “gửi lời xin lỗi đến thế giới bóng đá” vì “hành vi không thể chấp nhận được” của vị cựu lãnh đạo.
Trong buổi họp báo trước đó 1 ngày của ĐT Tây Ban Nha, thủ quân Alvaro Morata cùng ba đội phó Cesar Azpilicueta, Marco Asensio và Rodri cũng công khai chỉ trích Rubiales là “không xứng đáng với tổ chức mà ông ta đại diện”. Và RFEF cũng không mất nhiều thời gian để chặt đứt mắt xích yếu nhất trong phe cánh Rubiales, khi sa thải HLV Jorge Vilda, chỉ hơn nửa tháng sau khi ông này đem về chức vô địch World Cup nữ cho Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, tất cả vẫn không thay đổi được một thực tế: Rubiales chỉ bị FIFA tạm đình chỉ. Hết thời hạn cấm 90 ngày, ông ta hoàn toàn có thể trở lại cương vị chủ tịch liên đoàn. Và nhìn vào cái cách vị lãnh đạo ngổ ngáo này hét lên: “Tôi sẽ không từ chức” trong Đại hội bất thường của RFEF diễn ra sau vụ bê bối “kiss-gate”, người ta sẽ dễ mường tượng đến kịch bản tồi tệ nhất.
Vậy câu hỏi đặt ra là người ta phải làm thế nào để tống cổ Rubiales? Theo phân tích của giới truyền thông Tây Ban Nha, vụ việc có thể sẽ diễn ra theo một trong ba kịch bản.
Đầu tiên là FIFA ban tiếp một lệnh cấm dài hạn, sau khi án đình chỉ 90 ngày của Rubiales kết thúc. Điều này sẽ chấm dứt luôn sự nghiệp của vị lãnh đạo đầu trọc, giống như những gì từng diễn ra với cựu chủ tịch FIFA, Sepp Blatter và cựu chủ tịch UEFA, Michel Platini.
Kịch bản thứ hai là RFEF tự tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm Rubiales. Nhưng rắc rối nằm ở yêu cầu đầu tiên là nó phải nhận được sự đồng ý của ít nhất 1/3 số thành viên đại hội, tức 140 người. Đó không phải là chuyện dễ, khi trong nội bộ vẫn có những người ủng hộ Rubiales. Chủ tịch tạm quyền Pedro Rocha của RFEF cũng đã bác bỏ giải pháp này và khẳng định, sự thay đổi sẽ chỉ diễn ra sau cuộc bầu cử chủ tịch, dự kiến diễn ra… sau Olympic 2024.
Phương án cuối cùng chính là con đường pháp lý. Cơ quan công tố Tây Ban Nha đã mở cuộc điều tra, và đề nghị nạn nhân Hermoso khởi kiện. Nếu bị xác định phạm tội “tấn công tình dục”, Rubiales chắc chắn không thể trở lại ghế chủ tịch. Vấn đề chỉ là phiên tòa này có thể sẽ mất thời gian hơn cả kỳ Thế vận hội mùa Hè năm sau ở Paris.
RFEF giận Rubiales, chém Vilda
HLV Jorge Vilda của ĐT nữ Tây Ban Nha vốn là chiến hữu của Luis Rubiales. Vì thế, sau khi Rubiales bị đình chỉ, ban lãnh đạo tạm thời của LĐBĐ Tây Ban Nha (RFEF) đã quyết định sa thải Vilda. Vậy là thay vì nhận được hợp đồng mới kèm mức lương 500.000 euro/năm nhờ vô địch World Cup nữ, Vilda bỗng rơi vào cảnh thất nghiệp.