Một bộ phận CĐV Việt Nam đang trở thành nỗi ám ảnh của các trọng tài, bởi mỗi khi đụng “công chuyện”, họ có thể bị tấn công bằng những ngôn ngữ tục tĩu, thậm chí đòi “đoạt mạng” dù bất kể đúng hay sai.
Mới đây, trong chuyến làm khách trên sân Saudi Arabia ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022, khi ĐT Việt Nam đang dẫn trước 1-0, ở phút 55 trọng tài Ilgiz Tantashev đã cho đội chủ nhà được hưởng 1 quả phạt đền. Đó là tình huống công nghệ VAR đã can thiệp khi cho rằng, bóng chạm tay Duy Mạnh trong vòng cấm.
Không chỉ cho Saudi Arabia được hưởng quả penalty, trọng tài người Uzbekistan còn rút thẻ vàng thứ 2 cho Duy Mạnh, khiến ĐT Việt Nam chỉ còn 10 người trên sân. Ở thế 10 đấu 11, mọi tính toán của ĐT Việt Nam đã vỡ vụn và thầy trò HLV Park Hang Seo đã để thua 1-3 ở trận ra quân.
Những quyết định của trọng tài Tantashev đã khiến nhiều cư dân mạng tại Việt Nam phẫn nộ. Trong khi trận đấu đang diễn ra, nhiều CĐV Việt Nam đã lùng sục mạng xã hội để tìm kiếm trang Facebook “Vua áo đen” người Uzbekistan. Nhiều bình luận xúc phạm, chửi bới và lăng mạ… bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt đã xuất hiện, để bày tỏ sự bất bình với ông Tantashev.
Chưa dừng lại, ngay sau khi trận đấu kết thúc, nhiều tài khoản mạo danh trọng tài Tantashev đã xuất hiện, kèm với những nội dung khiêu khích. Rất nhiều người đã “sập bẫy” và họ lại tiếp tục buông những lời xúc phạm, thậm chí đòi “chôn sống” ông Tantashev.
Chắc chắn, chuyện ông trọng tài Uzbekistan bị truy lùng không phải là lần đầu. Trước đó, đã từng có những cuộc “phong sát” những vị “vua áo đen” bấp chấp họ là nam hay là nữ, đến từ quốc gia, cường quốc bóng đá nào, có cầm còi tại World Cup chưa…
Cựu trọng tài FIFA Nguyễn Minh Trí từng chia sẻ với người viết: “Có lần ra nước ngoài công tác, một người đồng nghiệp của ông tiến đến và nói về chuyện bị các CĐV Việt Nam tấn công trên mạng xã hội bằng những lời lẽ vô cùng tục tĩu. Vị trọng tài này nói rằng, khi cầm còi các trận đấu của ĐT Việt Nam, ông ta đều có cảm giác sợ hãi, bởi bất cứ lúc nào cũng có thể bị tấn công dù ông có thổi đúng, thổi công đi chăng nữa!”.
Ông Trí “cào” chỉ biết lặng câm và trong lòng buồn không nói bằng lời. Từng nhiều năm cầm còi các trận đấu lớn, từng khiến những kẻ “lắm mồm” như Drogba, Anelka hay già giơ như HLV Marcelo Lippi… phải kính nể. Ấy vậy mà khi quay lại điều khiển các trận đấu tại Việt Nam, ông Trí bị ám ảnh bởi những thứ văn hoá khó chấp nhận từ khán đài đến mạng xã hội của một số CĐV Việt Nam.
Ông Trí nói, chẳng có nơi nào như Việt Nam, trọng tài bị “ăn chửi” như cơm bữa. Trên sân chửi, ngoài sân chửi, chửi ngoài đường chưa đã, chửi lên mạng xã hội. Họ chửi ông trọng tài, chửi cả cha lẫn mẹ, chửi cả tông ti họ hàng…
Ông Trí vốn là một giáo viên vậy mà phải thốt lên: “Đấy là thứ văn hoá kém văn minh, thứ văn hoá man rợ nhất trong bóng đá”.
Nếu xem giải ngoại hạng Anh, La Liga hay các giải đấu khác, chuyện các CĐV phản ứng trọng tài rất đỗi thường. Nhưng khi đã kết thúc trận đấu, mọi câu chuyện dường như sẽ được để lại ở trên bóng. Tất nhiên, đấy là câu chuyện của những giải đấu đẳng cấp, của những trọng tài có đẳng cấp. Còn Vua áo đen, một khi không đủ chuyên môn lẫn đạo đức thì anh ta sẽ bị mất việc thay vì nguỵ biện kiểu bởi, vì, thì, là, mà như ở Việt Nam.
Cuộc chơi nào cũng có luật, giải đấu nào cũng có những vấn đề nảy sinh, giống như chuyện ĐT Hàn Quốc từng bị hồ nghi “đi đêm” với các quan chức FIFA, các trọng tài tại World Cup 2002, giải đấu mà họ đã lọt vào đến bán kết. Chuyện của trọng tài Tantashev có trở thành một “thuyết âm mưu” đi nữa, chúng ta cũng không nên có những hành động vô văn hoá vị vua áo đen này.
Cần phải nói lại cho rõ, qua rất nhiều ý kiến tham khảo từ những trọng tài hàng đầu Việt Nam, tất cả đều thừa nhận, quả phạt đền của Duy Mạnh là hoàn toàn chính xác. Riêng chiếc thẻ đỏ có thể gây ra nhiều luồng tranh cãi nhưng đấy là câu chuyện của LĐBĐ châu Á và họ sẽ phải có trách nhiệm giải trình, nếu như ĐT Việt Nam có ý kiến. Cho nên, “của Caesar hãy trả về cho Caesar” thay vì phải cố gắng tạo ra những áp lực, những hành động xấu xí khiến người ta cười chê.
Con người và đất nước Việt Nam vốn dĩ đang để lại những ấn tượng tốt đẹp với những nét văn hoá đặc thù và tình cảm nồng hậu. Bóng đá Việt Nam cũng đang cất cánh trở thành một con hổ châu Á với những kỳ tích đáng nể.
Như người ta vẫn nói, bóng đá phản ảnh xã hội. Vì thế, thứ văn hoá xem bóng đá “lúa nước”, thứ văn hoá yêu đội tuyển kiểu “man rợ” nói trên cần phải chấm dứt ngay, nếu như những kẻ đang phá hoại còn có một chút sĩ diện và một chút tự tôn dân tộc.