Chelsea đã vô địch trên thị trường chuyển nhượng. Điều này chẳng cần bàn cãi bởi làm gì có CLB nào địch nổi The Blues ở khâu mua sắm cầu thủ. Chelsea cứ thích là mua, và chỉ sau 1 năm dưới sự tiếp quản của tỷ phú Boehly, đội chủ sân Stamford Bridge đã chi hơn 1 tỷ bảng – con số khiến bất kỳ ai cũng phải “há hốc mồm”. Làm một phép so sánh, trong 5 năm tại vị, trải qua 11 kỳ chuyển nhượng ở Tottenham, HLV Mauricio Pochettino chỉ được đầu tư tổng cộng 412 triệu bảng, tức còn thua mức chi tiêu của Chelsea tính riêng ở Hè 2023 (419 triệu bảng).
Mục tiêu của Chelsea có lẽ đã quá rõ ràng: dùng tiền để săn tìm các danh hiệu. Nếu ít tiền chưa đủ thì nhiều tiền. Nhiều mà vẫn thiếu thì rất nhiều tiền. Đó là lý do vì sao dù đã dư thừa nhân sự ở các tuyến, Chelsea vẫn mua sắm vô tội vạ. Điều đáng nói, số cầu thủ thành công trong những bản hợp đồng mà The Blues đưa về trong 1 năm qua thực sự đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, nếu khắt khe, chỉ duy nhất một cái tên để lại được dấu ấn, đó là tiền vệ Enzo Fernandez. Còn lại, phần lớn đều đem đến sự thất vọng, hoặc đơn giản họ chưa có đủ thời gian hòa nhập với môi trường mới.
Nói đến khâu hòa nhập, việc các tân binh của Chelsea không thể hoặc chưa thể tỏa sáng xuất phát từ chính chiến lược mua sắm điên rồ của giới chủ The Blues. Làm sao những cầu thủ có thể kịp thích ứng khi qua mỗi kỳ chuyển nhượng, họ lại đón một loạt đồng đội mới. Thừa nhận rằng việc tạo ra chiều sâu đội hình cũng như sự cạnh tranh trong nội bộ là điều nên làm, nhưng tất cả đang diễn ra một cách quá đà, mất kiểm soát. Boehly và các cộng sự có lẽ tin rằng cứ mua đi, cứ đầu tư đi rồi Chelsea sẽ tốt lên, từ đó các danh hiệu sẽ tìm đến. Tuy nhiên, thực tế đang chỉ ra Chelsea càng mua càng loạn.
Từ ngoài nhìn vào, ngay đến những người không mấy am hiểu về bóng đá cũng thấy Chelsea đã loạn từ trước thay vì vấn đề chỉ mới xuất hiện. Graham Potter rồi Frank Lampard đều đã thấm thía điều đó, và giờ đến lượt Pochettino. Qua 4 vòng đấu đầu tiên tại Premier League 2023/24, có thể thấy chiến lược gia người Argentina đang loay hoay không biết phải xử lý ra sao với đội hình quá nhiều tân binh của Chelsea. Có cảm giác Pochettino đang bất lực và dần đi vào lối mòn. Màn trình diễn tổng thể của Chelsea vài tuần qua đọng lại gì trong chúng ta? Chẳng có gì ngoại sự lộn xộn, rời rạc và vô hồn.
Chiến thắng 3-0 trước Luton ở vòng 3 có vẻ là sự tiến bộ của Chelsea, song thực tế nó chỉ đến từ những khoảnh khắc bùng nổ của cá nhân Raheem Sterling – người lập cú đúp cùng 1 đường chuyền gián tiếp giúp Nicolas Jackson lập công. Những điều tồi tệ nhất của Chelsea bộc lộ trước Nottingham, khi họ bất lực toàn tập dù nắm lợi thế sân nhà.
Về lý thuyết, Chelsea với sự đầu tư khủng khiếp như vậy phải dễ dàng đè bẹp Nottingham, nhưng họ lại đá còn kém cả… Nottingham. Cú đá lên trời ở cự ly chỉ chừng 5 mét của Jackson trong vòng cấm chỉ càng làm đậm thêm các vấn đề cũ kỹ của Chelsea, và đặc biệt là khả năng cầm quân của Pochettino.
Câu hỏi đặt ra là Pochettino có thực sự đủ năng lực dẫn dắt Chelsea? HLV này cho đến nay không thể đưa ra những điều chỉnh kịp thời bất chấp các cầu thủ ở đội hình chính chơi yếu kém, nổi bật là trường hợp của Moises Caicedo và Jackson. Càng như vậy, những ngôi sao này sẽ càng mất dần sự tự tin để rồi tự hủy. Đáng lý với tư cách là một HLV trưởng, một HLV được đánh giá ở đẳng cấp thế giới, Pochettino phải sớm nhận ra điều đó. Nếu tập thể Chelsea này nằm trong tay Pep Guardiola, mọi chuyện sẽ khác? Có thể, bởi Pep là một HLV quyết đoán và mang tư duy của một người đi trước thời đại.
Tóm lại, Chelsea nhiều tiền cũng chẳng để làm gì. Tiền chỉ giúp The Blues vô địch trên TTCN, còn trên sân cỏ, họ rốt cuộc vẫn là kẻ bại. Nó giống như việc một gia đình giàu sụ song có một đứa con bất tài, chỉ biết ăn chơi trác táng. Dù nhiều tiền cỡ nào, nhưng nếu không có một chiến lược đầu tư khôn ngoan, bài bản kiểu Man City, Chelsea rồi cũng đến lúc cạn kiệt và sụp đổ. Sau 1 năm, Chelsea rốt cuộc vẫn chỉ là một tập thể hỗn độn.