Với 33 cầu thủ có giá xấp xỉ 1 tỷ euro, PSG đang sở hữu một trong những đội hình hậu nhất lịch sử bóng đá thế giới. Và đây lại là một lời thách thức nữa của CLB nhà giầu nước Pháp với Luật công bằng tài chính của UEFA (FFP).
Lịch thi đấu Ligue 1 2021/2022
Bảng xếp hạng Ligue 1 2021/2022
Lịch trực tiếp Ligue 1 mới nhất
Vào cuối ngày 31/8 vừa rồi, cả thế giới bóng đá đều ngóng về Paris để chờ đón thương vụ bom tấn lớn nhất mùa hè này được kích nổ, khi Real Madrid gần như đã chấp thuận mọi đòi hỏi về tài chính cho siêu sao Kylian Mbappe, gồm khoản phí chuyển nhượng lên tới hơn 200 triệu euro.
Tuy nhiên, tất cả đã phải thất vọng khi PSG vào phút chót vẫn quyết định không để tiền đạo của mình đi đâu cả, bất chấp việc sẽ không còn quyền nói chuyện về tương lai của tiền đạo 22 tuổi này chỉ sau đây 3 tháng, đồng nghĩa sẽ mất trắng anh vào hè sang năm bởi hợp đồng của Mbappe chỉ còn thời hạn 1 năm.
Đó rõ ràng là quyết định đi ngược lại với lẽ thông thường trong thế giới bóng đá, đặc biệt giữa bối cảnh khó khăn vì Covid-19 hiện tại. Khó có thể nghĩ rằng, một CLB lại từ chối tới hơn 200 triệu euro dù biết chắc chắn sẽ mất trắng anh ta.
Lưu ý, Barca cũng từng từ chối để Messi ra đi hồi đầu mùa trước khi, cầu thủ này đòi chia tay ở thời điểm hợp đồng chỉ còn 1 năm. Song lúc đó Leo đòi ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do. Thực tế, không có CLB nào đưa ra lời đề nghị có mức phí chuyển nhượng đáng kể cho siêu sao người Argentina lúc bấy giờ.
Việc PSG từ chối bán Mbappe đến tận phút chót trong phiên chợ hè vừa rồi không chỉ là một sự “ngược đời” trong thế giới bóng đá hiện tại, mà còn là một lời thách thức tới UEFA, cụ thể là Luật công bằng tài chính của tổ chức này.
Theo thống kê, việc giữ lại Mbappe khiến đội hình một của PSG mùa này đã phình lên tới 33 cầu thủ, phần lớn là những ngôi sao đắt giá và lương cao. Chỉ chi tiết này thôi cũng đã là sự khác thường, khi các CLB, đặc biệt những CLB lớn sở hữu đội hình toàn sao, đều chỉ duy trì số lượng cầu thủ ở mức cơ bản, khoảng từ 22 đến 24 cầu thủ.
Với số lượng cầu thủ quá khổ và đắt đỏ đó, PSG hiển nhiên đang sở hữu đội hình hùng mạnh nhất trong lịch sử của họ, tất nhiên cả Ligue 1 nữa, cũng như một trong những đội hình đắt giá nhất lịch sử bóng đá thế giới nói chung. Như đã biết, ngoài việc giữ chân Mbappe, họ còn chiêu mộ thêm cả Messi trong mùa hè vừa rồi.
Theo thống kê, ít nhất PSG cũng đang sở hữu đội hình có giá trị cao thứ hai thế giới bóng đá, với tổng giá trị các cầu cầu thủ đội một lên tới 998,9 triệu euro, chỉ ít hơn một vài triệu euro so với Man City (1,004 tỷ euro), bỏ xa 3 đội bóng hàng đầu Tây Ban Nha là Real Madrid (783,5 triệu euro), Atletico (758,9 triệu euro) và Barcelona (696 triệu euro).
Rõ ràng, PSG đang thách thức FFP, thậm chí khó có thể nói họ không vị phạm điều luật ngăn cấm các CLB chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được từ các hoạt động bóng đá này.
PSG đúng là chỉ chi ra khoảng 83 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng Hè 2021, song lưu ý trong đó có tới 4 siêu tân binh đến theo dạng tự do là Gianluigi Donnarumma, Georginio Wijnaldum, Sergio Ramos và Lionel Messi. Dù không mất phí chuyển nhượng, song có thể nói số tiền lót tay mà họ phải chi để thực hiện 4 vụ chiêu mộ khủng này còn lớn hơn cả tổng số tiền chi ra để mua và mượn 3 tân binh còn lại gồm: Achraf Hakimi (60 triệu euro), Danilo Pereira (16 triệu euro) và Nuno Mendes (mượn, 7 triệu euro).
Trong khi đó, PSG thực ra gần như không bán cầu thủ trong mùa hè vừa rồi. Tổng số tiền họ thu được chỉ vỏn vẹn 9 triệu euro từ việc đẩy đi cầu thủ trẻ Mitchel Bakker và tiền cho mượn thủ thành dự bị Alphonse Areola.
Tất nhiên, như đã nói, hầu hết các CLB trên thế giới đều sụt giảm doanh thu trong đại dịch Covid-19, thậm chí hầu hết đều thua lỗ nặng, PSG hiển nhiên không phải ngoại lệ. Họ đang chỉ chơi tại Ligue 1 và cũng chưa sở hữu thương hiệu quá lớn để kiếm bộn tiền từ các hoạt động bên ngoài sân cỏ.
PSG cũng từng chính thức công bố rằng họ thua lỗ tới 200 triệu euro trong đại dịch Covid-19 vừa rồi. Ngoài ra, chỉ tính trên thị trường chuyển nhượng trong 5 mùa gần đây, PSG đã thâm hụt tới hơn 377 triệu euro, chỉ kém Man United (-533 triệu euro) và Man City (-524 triệu euro) – 2 CLB giỏi kiếm tiền, rất giầu có và thi đấu ở giải đấu có doanh thu gấp nhiều lần so với Ligue 1 là Premier League.
Tất nhiên, với đội hình quá khổ, toàn ngôi sao đắt giá và hưởng lương cao, PSG thừa hiểu rằng mình đang vị phạm Luật công bằng tài chính UEFA, song họ đã có cách đối phó.
Như đã biết, PSG đang được sở hữu bởi các vị tỷ phú dầu mỏ từ Qatar. Họ vốn dĩ cũng đã chi tiêu vượt qua hàng tỷ euro so với số tiền thực sự kiếm được từ bóng đá suốt nhiều năm qua, song đến nay mới chỉ bị phạt một lần vào năm 2014 theo luật FFP, gần như chỉ là phạt hình thức (khoảng 20 triệu euro, không bằng số tiền họ mua một trong những cầu thủ đang bị bỏ không tại sân Công viên các hoàng tử).
Đơn giản, các ông chủ tỷ phú, các vị hoàng thân tại Qatar đang không ngừng bơm tiền vào CLB này, thông quá các hợp đồng “ma” về quảng cáo, tài trợ… Luật FFP cũng ngăn cấm điều này, nhưng việc có điều tra và xử lý hay không còn phụ thuộc vào UEFA, nơi mà nhiều quan chức có mối quan hệ thân thiết với LĐBĐ Pháp và cả PSG!