Ngay sau tứ kết, toàn bộ những đội từng vô địch World Cup nữ đều sạch bóng. Thậm chí, Mỹ – nhà ĐKVĐ thế giới 2 giải gần nhất, còn bị loại ngay ở vòng 1/8. Rõ ràng, bước chuyển mình của bóng đá nữ là rất lớn. Họ đã bước sang một chương mới ngay từ trước khi Tây Ban Nha nâng cao chức vô địch.
Thực tế, ngay từ cách đây 10 năm, người Mỹ đã nhận cảnh báo rằng châu Âu đang tiến bộ từng ngày. Miriam Hickey, cựu Giám đốc học viện phát triển bóng đá nữ Mỹ, nói vào đầu năm nay: “Tây Ban Nha và Anh mới đang giữ tiêu chuẩn vàng vào lúc này, khi họ tạo ra một con đường chuyên nghiệp cho các cô gái để đi từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp”. Thế nên, đừng ngạc nhiên khi Tây Ban Nha và Anh gặp nhau trong trận chung kết World Cup.
Riêng với Tây Ban Nha – đội lần đầu dự World Cup vào năm 2015, Hickey khẳng định: “Họ có chương trình đào tạo trẻ xuất sắc nhất thế giới”. Tây Ban Nha chính là lá cờ đầu của châu Âu, chứ không phải những thế lực cũ như Đức hay Na Uy, trong cuộc chiến lật đổ sự thống trị của Mỹ.
Để tiện so sánh, hãy đến với một thống kê. Giai đoạn 2007-2015, Mỹ đánh bại Top 5 đối thủ lớn nhất của mình (phần lớn là từ châu Âu) với cách biệt trung bình 1,1 bàn/trận. Nhưng 2015-2019, con số này giảm xuống 0,4. Và mới nhất, từ 2019-2023, khoảng cách chỉ là 0,1.
Trật tự mới của thế giới đã được hình thành. Ở đó, người Mỹ không còn cầm trịch nữa. Mô hình phát triển bóng đá nữ với nền tảng các trường đại học trở nên lỗi thời, đặc biệt là khi đặt bên cạnh những trường chuyên biệt ở Tây Ban Nha.
Olga Carmona, người hùng trong trận chung kết với Anh, có bước khởi đầu tại một đội nghiệp dư ở giải hạng Hai trong nước. Teresa Abelleria – tiền vệ đột phá trong giải năm nay, cũng có xuất phát điểm khiêm tốn ở Galicia. Nhưng 2 cô gái này cùng những đồng đội khác đều may mắn được rèn luyện từ rất nhỏ, giống hệt như những đồng nghiệp nam ở xứ bò tót.
“Tây Ban Nha, cả trong khía cạnh nam và nữ cầu thủ, được biết đến rộng rãi với triết lý của mình và điều này hiệu quả khi phát triển bóng đá trẻ”, Giám đốc bóng đá nữ trong Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha, Pedro Malabia nói năm 2018. “Phần lớn các CLB đều có một cấu trúc hoàn thiện các đội trong học viện của mình. Tôi đang nói về việc có từ 12 tới 14 đội trong học viện, bắt đầu từ U6 tới đội một”.
Mirelle van Rijbroek, Giám đốc phát triền tài năng bóng đá Mỹ, rất buồn khi nhìn thực trạng của đất nước mình khi so với Tây Ban Nha: “Ở cùng tuổi 17, 18, trong khi các cầu thủ Tây Ban Nha đang thi đấu chuyên nghiệp ở Liga F, thì những cầu thủ Mỹ vẫn chơi bóng cho trường trung học hay các CLB địa phương nghiệp dư. Hãy nhìn vào kinh nghiệm, trình độ của họ và bạn sẽ thấy ngay sự khác nhau như thế nào”.
Tại châu Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha, những ông lớn ngày càng chú trọng vào bóng đá nữ. Họ đã nhìn ra tiềm năng của lĩnh vực này và muốn khai thác triệt để. Carmona và Abelleira là thành viên của Real Madrid – CLB bóng đá nam khổng lồ nhưng 5 năm trước mới xây đội nữ.
Phát triển muộn như thế nên Real chẳng thể so được với đại kình địch Barca. 3 mùa gần nhất, đội nữ Barca vô địch Champions League tới 2 lần. Chưa hết, Barca cũng đóng góp 9 cầu thủ vào thành phần vô địch World Cup của ĐT Tây Ban Nha. Bản hợp đồng kỷ lục thế giới của bóng đá nữ, Keira Walsh là của Barca chiêu mộ từ Man City với giá hơn 400.000 bảng.
Đáng nói, đội nữ Barca sở hữu một cái tên mà đến Pep Guardiola cũng phải chăm chú theo dõi. “Aitana Bonmati là cầu thủ khiến tôi mê mẩn”, HLV của Man City chia sẻ. “Tôi khẳng định cô ấy giống như Iniesta vậy. Đội Barca hiện nay tạo ra tầm ảnh hưởng tới cả thế giới”.
Với cách đầu tư và đào tạo chuyên nghiệp này, ĐT nữ Tây Ban Nha không hề ngại thử thách thống trị bóng đá thế giới suốt 4 năm liền như những nam đồng nghiệp thiết lập được trong giai đoạn 2008-2012.