Cả 3 đội mạnh còn lại trong hàng ngũ 4 ứng cử viên vô địch Premier League là Chelsea, Man City, MU đều tăng cường “hàng khủng” trong đợt chuyển nhượng vừa kết thúc. Chỉ có mỗi Liverpool là bình chân như vại. Đấy là nét riêng khá đặc sắc của Liverpool trong lĩnh vực chuyển nhượng.
Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh 2021/2022
Bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2021/2022
Lịch trực tiếp Ngoại hạng Anh mới nhất
Tất nhiên cũng có thay đổi, nhưng không đáng kể. Trung vệ Ibrahima Konate đến từ RB Leipzig với giá 36 triệu bảng là bản hợp đồng duy nhất mà Liverpool mua người trong mùa hè này. Ở chiều hướng ngược lại, đội bóng của HLV Juergen Klopp chia tay Georginio Wijnaldum (hết hợp đồng) và bán Xherdan Shaqiri sang Lyon với giá 9,5 triệu bảng.
Thật ra, sổ sách sẽ thể hiện rằng Liverpool bán đi 6 cầu thủ, thu về 42,8 triệu bảng. Nghĩa là có lãi, so với số tiền bỏ ra để mua Konate. Đây là khía cạnh làm ăn thuần túy, gần như không liên quan đến các vấn đề chuyên môn. Liverpool quả đã bán Harry Wilson, Marko Grujic, Taiwo Awoniyi… Đấy là các cầu thủ của Liverpool, nhưng lâu nay cho mượn ở các đội khác.
Liverpool rất ổn định về lực lượng. Họ cũng đã ký không ít hợp đồng trong mùa hè vừa qua, nhưng đấy chỉ là những chữ ký gia hạn hợp đồng. Khi trung vệ Virgil Van Dijk gia hạn hợp đồng đến năm 2025, HLV Klopp phát biểu: “Cứ như chúng tôi vừa mua thêm một ngôi sao lớn vậy”.
Trước Van Dijk, Liverpool đã gia hạn hợp đồng đến năm 2026, với Fabinho và Trent Alexander-Arnold. Rồi sau đó, liên tục là Andrew Robertson, Alisson Becker, Jordan Henderson… Tóm lại, lực lượng hiện thời của Liverpool gần như sẽ được giữ nguyên, không chỉ trong mùa bóng này mà là trong khoảng 4-5 năm sắp tới.
Nguyên tắc là như vậy. Dĩ nhiên, Liverpool có thể… bán Van Dijk – hoặc bất cứ ngôi sao nào vừa gia hạn hợp đồng – ngay trong mùa hè năm sau. Đấy lại là chuyện khác. Hồi “nói xéo” các đội nhà giàu chi khủng để tăng cường ngôi sao, HLV Klopp nhấn mạnh: Liverpool chỉ mua cầu thủ sau khi, bằng cách này hoặc cách khác, họ đã kiếm được tiền. Và, như để tránh nói hớ, Klopp giải thích thêm về việc mua Konate: “Đây là trường hợp đặc biệt, chúng tôi không thể phiêu lưu trong vấn đề chuyên môn”.
Ai cũng biết, Liverpool đã khổ vì cạn kiệt trung vệ ra sao trong mùa vừa qua. Vậy nên, cứ phải mua thêm một trung vệ. Kỳ thực, bây giờ thiên hạ biết thêm, rằng ngay cả với “trường hợp đặc biệt” của Konate, Liverpool cũng đã kiếm được tiền rồi mới mua!
Ai cũng biết, phải chuyển nhượng sao cho đừng lỗ ngập đầu như Barcelona. Nhưng, tiền bạc cũng chỉ là một khía cạnh. Áp lực phải thành công về chuyên môn khiến người ta cứ phải chi đậm để mua sắm lực lượng. Và ở đây, chúng ta đang nói về khía cạnh chuyên môn, hơn là tiền bạc, trong chiến lược chuyển nhượng của Liverpool.
Xuất phát điểm của chiến lược này: Klopp rất kỹ tính trong việc đánh giá cầu thủ, lại có yêu cầu rất cao trong lối chơi mang tính triết lý của mình. Vấn đề không phải là đẳng cấp kỹ thuật cá nhân của cầu thủ trong cuộc xuất sắc đến đâu, mà là cầu thủ ấy phải phù hợp với triết lý của ông, phát huy tốt năng lực trong lối chơi của toàn đội.
Kiếm được cầu thủ phù hợp đâu phải dễ. Cho nên, Liverpool ưu tiên gia hạn các hợp đồng có sẵn để ổn định cả lực lượng lẫn cái lối chơi mà Klopp đã dày công xây dựng. Mặt khác, khi đã xác định ngôi sao phù hợp thì Liverpool kiên nhẫn chờ mua cho bằng được, chứ không chuyển hướng sang ngôi sao khác khi không mua được ngôi sao này. Klopp phải chờ 1 năm rưỡi để có Virgil Van Dijk, kể từ khi ông “quyết” rằng Liverpool phải mua trung vệ này bằng mọi giá.
Khi Liverpool “bất động” trên thị trường chuyển nhượng, thì có hai khả năng. Một là lực lượng của Klopp đã “chuẩn”, không cần mua nữa. Hai là Klopp và cộng sự chưa phát hiện được ngôi sao nào thích hợp với Liverpool. Khả năng đầu cao hơn. Bởi, nói về vấn đề phát hiện ngôi sao, đừng quên rằng Liverpool còn có giám đốc kỹ thuật Michael Edwards, cực kỳ xuất sắc trong việc đánh giá cầu thủ cũng như đàm phán chuyển nhượng.