Vì sao Harry Kane, ở một độ tuổi đẹp như vậy, đang có phong độ cao như vậy, lại thất bại đến mức nhục nhã với ý đồ chuyển nhượng của mình, trong khi lão tướng Cristiano Ronaldo hễ muốn là lập tức chuyển nhượng thành công? Nói về chuyển nhượng, còn ai quan trọng hơn nhà đại diện – mà khác biệt giữa Ronaldo và Kane – là Jorge Mendes.
Vì sao Harry Kane, ở một độ tuổi đẹp như vậy, đang có phong độ cao như vậy, lại thất bại đến mức nhục nhã với ý đồ chuyển nhượng của mình, trong khi lão tướng Cristiano Ronaldo hễ muốn là lập tức chuyển nhượng thành công? Nói về chuyển nhượng, còn ai quan trọng hơn nhà đại diện – mà khác biệt giữa Ronaldo và Kane – là Jorge Mendes.
Phó chủ tịch Pavel Nedved của Juventus khẳng định như đinh đóng cột, rằng Cristiano Ronaldo sẽ ở lại Juventus đến hết mùa này, rằng mọi tin đồn xoay quanh vấn đề chuyển nhượng Ronaldo đều là bịa đặt. Nedved nói thế sau trận Juventus hòa Udinese 2-2, trận đấu mà Ronaldo ngồi ghế dự bị, và HLV Max Allegri sau này nói rằng Ronaldo ngồi ngoài vì đấy đã là một thỏa thuận từ trước, khi Ronaldo quả quyết sẽ không khoác áo Juventus nữa. Tóm lại, Nedved… nói dối. Chẳng ai cấm, nhất là khi thị trường chuyển nhượng gần như chỉ gồm những lời nói dối. Vấn đề ở đây là: nói dối như Nedved thì trước sau gì chẳng lộ mặt?
Ngược lại, Charlie Kane khẳng định thân chủ đồng thời là em ruột mình, Harry Kane, phải sang Man City mới hy vọng có danh hiệu, rằng Kane xứng đáng khoác áo một đội bóng lớn (tức là lớn hơn đội bóng hiện thời, Tottenham), rằng Man City muốn mua trong khi Tottenham đã đồng ý bán Kane. Tay này nói thiệt, nhưng là những lời nói thiệt… quá ngốc.
Ừ thì Tottenham chịu bán, nhưng với giá 150 triệu bảng. Và Man City muốn mua, nhưng chỉ với giá 100 triệu bảng. Ừ thì Kane xứng đáng khoác áo một đội bóng lớn để có danh hiệu. Vậy, anh cứ bỏ tiền mua đứt hợp đồng của mình ở Tottenham, rồi muốn khoác áo Man City hay đội nào khác tùy ý!
Nói thật như Charlie Kane, hay nói dối như Pavel Nedved, rút cuộc đều là vô ích. Họ đều thất bại, theo nghĩa mọi chuyện không diễn ra như mong muốn của mình, và những gì họ nói ra đều không hậu thuẫn được mong muốn ấy.
Jorge Mendes thì không nói thật, cũng chẳng nói dối. Ông nói những gì cần nói. Quan trọng hơn, ông nói những gì mà đối tác sẽ nghe và chấp nhận. Đấy là khác biệt. Mendes đâu chỉ “đạo diễn” cho cú chuyển nhượng lịch sử vừa qua, đưa Cristiano Ronaldo từ Juventus về đội bóng cũ MU. Ông còn là siêu đại diện nổi tiếng, xuất sắc và thành công nhất trong lịch sử bóng đá.
Nhờ có Mendes mà Cristiano Ronaldo và MU giờ đang tỏ ra hạnh phúc khi tái kết hợp với nhau – đây là điều chúng tôi đang muốn nhắc lại. Chứ không thể nói rằng cú chuyển nhượng vừa qua là chi tiết cho thấy Mendes giỏi hơn cái tay đại diện “vô danh” là anh ruột của Harry Kane (và cả đời tay đại diện ấy chỉ có đúng một thân chủ, là Harry Kane).
Mendes nói với HLV Max Allegri rằng đội nào cũng cần Ronaldo để chiến thắng, dù người ta luôn có nhiều cách khác nữa, để chiến thắng. Nói thế thì khiêm tốn và chân thành quá rồi, và nói thế thì Allegri… ưng cái bụng, đâu cần khăng khăng giữ lại Ronaldo làm chi nữa!
Sau khi thấy rõ rằng Juventus chịu “buông”, Allegri lại không thấy MU tỏ ra mặn mà với siêu sao cũ của họ. Thế là ông gặp… Man City (chứ không phải MU). Và, để tăng thêm giá trị gay cấn, Mendes gặp cả Barcelona nữa. Các nhân vật gắn bó với MU (Sir Alex Ferguson chẳng hạn) mà không nhảy nhổm lên, mới lạ. Nói gì, thì đấy là chuyện của Mendes. Ông nói chuyện là để thuyết phục đối tác, và để thân chủ mình (cũng như chính mình) hưởng lợi. Ông nói đâu phải là để hầu chuyện giới hâm mộ trên khắp thế giới!
Đại khái, Mendes biết cần nói gì để Juventus quan tâm vấn đề tài chính hơn Ronaldo; nói gì để Man City “xem xét, nhưng sẽ không mua Ronaldo”; và nói gì để MU giật mình nhận ra rằng cơ hội để đời đang xuất hiện trước mắt họ, cần nắm bắt ngay. Đoạn kết thì như mọi người đã biết.
Nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại!
Harry Kane không chỉ thất bại trong ý đồ chuyển nhượng từ Tottenham sang Man City. Thủ quân ĐT Anh còn tỏ ra rằng mình không đàng hoàng, khi không trình diện đúng hẹn, dù bản hợp đồng ràng buộc với Tottenham vẫn còn sờ sờ ra đấy. Cuối cùng, Kane đành ở lại Tottenham, đơn giản vì anh “muốn đi” nhưng “không có quyền đi”. Anh ruột làm đại diện thì có thừa sự nhiệt tình, và tin tưởng nhau tuyệt đối rồi. Nhưng người đại diện cần… giỏi cái đã!