Đang hừng hực khí thế cải tạo cơ sở vật chất tại Lạch Tray, ông Văn Trần Hoàn nhận món quà từ trên trời rơi xuống, đó chính là khoản nợ thuế lên đến hơn 17 tỷ đồng từ người tiền nhiệm.
Lịch thi đấu V.League 2020/2021
Bảng xếp hạng V.League 2020/2021
Có câu: Oan có đầu, nợ có chủ. Ai nợ người đó trả. Đó là lẽ thường của cuộc sống. Thế nhưng, sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Hải Phòng không đứng trước nguy cơ không được thi đấu ở mùa giải tới vì vi phạm tiêu chí tài chính do AFC quy định. Món nợ từ chủ quản của Hải Phòng FC có thể khiến những hoài bão, những kế hoạch lớn của ông Hoàn và những người ủng hộ đổ xuống sông, xuống biển bởi khoản nợ mà họ không liên quan.
Trả lời báo Tuổi trẻ, ông Trần Mạnh Hùng, cựu chủ tịch Hải Phòng FC xác nhận về khoản nợ thuế. Ông Hùng cho biết: việc nợ thuế là điều xảy ra với nhiều CLB chứ không riêng gì Hải Phòng. Trừ khi bị cơ quan thuế, chính quyền phong tỏa, CLB hay doanh nghiệp vẫn có thể xin giãn nợ để vừa hoạt động vừa trả nợ.
Thực ra, việc nợ thuế của Hải Phòng không phải là vấn đề mới. Bản thân ông Văn Trần Hoàn đã nắm được thông tin Công ty Cổ phần Thể thao Hải Phòng nợ thuế với số tiền cực khủng. Cũng vì điều này mà ông Hoàn kiên định quan điểm được chuyển giao Hải Phòng FC từ Công ty Cổ phần Thể thao Hải Phòng sang Công ty Cổ phần Sông Hồng. Nói thẳng ra, ông Hoàn không muốn phải chịu trách nhiệm với những gì mà mình không gây ra.
Đây là thực tế và cũng rất sòng phẳng trong bối cảnh hiện tại. Bởi lẽ, việc tìm kiếm nguồn tài chính bù đắp cho hoạt động của Hải Phòng FC là điều vô cùng khó khăn. Có rất nhiều việc mà ông Hoàn cần phải làm để nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, xây dựng các tuyến đào tạo và nâng cao chất lượng chất lượng đội hình nhằm xứng đáng với kỳ vọng của NHM đất Cảng. Với ngần ấy công việc, ông Hoàn cần rất nhiều tiền và không thể san sẻ nguồn lực để thanh toán khoản nợ thuế trước khi mình tiếp quản.
Trở lại với câu trả lời của ông Trần Mạnh Hùng, Hải Phòng có thể giãn nợ để vừa hoạt động vừa trả nợ thuế. Đây là một giải pháp được cho là khả thi nhưng chỉ có thể thực hiện khi ông Trần Mạnh Hùng vẫn còn chèo lái Hải Phòng FC. Một khi đội bóng được chuyển giao từ Công ty Cổ phần Thể thao Hải Phòng sang công ty Cổ phần Sông Hồng, hoặc thay thế người đại diện vốn thì sứ mệnh của ông Trần Mạnh Hùng sẽ khép lại. Ông không còn cơ hội để trả nợ thuế trong khi ông Văn Trần Hoàn chắc chắn không muốn lâm vào tình cảnh “quýt làm cam chịu”. Khi ấy, ngân sách nhà nước đối diện với nguy cơ thất thu, CLB Hải Phòng có thể bị cấm thi đấu và hậu quả là khôn lường.
Chắc chắn, những người liên quan và các cơ quản hữu trách sẽ phải vào cuộc để xác định: Ai chịu trách nhiệm với khoản nợ thuế khủng và phương án xử lý vấn đề rắc rối này như thế nào? Trách nhiệm chắc chắn không thuộc về ông Văn Trần Hoàn và Hải Phòng FC không thể bị cấm thi đấu trong bối cảnh họ đang thay đổi tích cực. Nên nhớ rằng, việc đi đến tận cùng vấn đề phải được tiến hành gấp rút bởi thời hạn xử lý tồn động thuế không còn nhiều. Hải Phòng FC cũng cần phải được gỡ rối để thực hiện những mục tiêu đấy tham vọng.
Đến đây, dư luận đặt câu hỏi về việc quản lý ngân sách, quản lý thuế và chỉ đạo điều hành của CLB Hải Phòng trong một thời gian dài. Nếu có sự quyết liệt, cảnh báo từ sớm thì tình trạng nợ thuế sẽ không nghiêm trong như bây giờ. Điều đáng nói, Hải Phòng là đội bóng xử dụng ngân sách vốn đến từ tiền thuế của dân nhiều nhất V.League. Việc thực hiện các quy định quản lý ngân sách, thuế vụ, quản lý nhà nước về bóng đá và các quy định liên quan cần phải thực hiện một cách nghiêm túc nhằm đảm bảo ngân sách được sử đúng, hiệu quả và phù hợp với luật đinh.