Hậu quả về mặt kinh tế mà cơn đại dịch gây ra cho bóng đá đỉnh cao thì ai cũng biết. Hiếm khi doanh số của đợt chuyển nhượng mùa hè trong làng bóng châu Âu lại thấp như năm nay. Lạ thay, vẫn xuất hiện hàng loạt “bom tấn”, trong hoàn cảnh chung là bóng đá châu Âu đã lao đao hẳn về tài chính.
Danh sách chuyển nhượng Hè 2021
Thị trường chuyển nhượng Hè 2021 đóng cửa ngày nào?
Đại dịch đã xuất hiện và làm bóng đá thế giới đình trệ hoàn toàn từ tháng 3/2020. Có nghĩa, đây không phải là lần đầu tiên thị trường chuyển nhượng phải chịu ảnh hưởng. Ngược lại là đằng khác. Người ta đã quen, và có những điều chỉnh cho phù hợp. Có hai chi tiết đáng lưu ý. Thứ nhất, đã xuất hiện chiến lược ký hợp đồng với các cầu thủ tự do. Cần phân biệt: đây là chiến lược đã được chuẩn bị kỹ, khác với dạng cầu thủ tự do vốn là “hàng phế thải” thuần túy. Thứ hai, khác biệt giàu/nghèo càng được đào sâu, khi các đội nhà giàu không còn đối thủ cạnh tranh, cứ hễ muốn mua là được!
Đấy là nguyên nhân khiến hàng loạt ngôi sao hàng đầu thế giới luân chuyển CLB, trong những bản hợp đồng mà người ta vẫn gọi là “bom tấn” trong mùa hè 2021 – ngược hẳn với tình trạng bóng đá đã nghèo hẳn trong bức tranh chung, và doanh số chuyển nhượng tổng cộng thấp một cách hiếm thấy.
Cristiano Ronaldo và Lionel Messi chỉ là hai trong số gần chục bản hợp đồng nổi bật của cửa sổ mùa hè 2021. Cùng Messi gia nhập PSG còn có nhà vô địch và là cầu thủ xuất sắc nhất EURO 2020 – Gianluigi Donnarumma, Sergio Ramos, Georginio Wijnaldum, Achraf Hakimi. Hakimi là cầu thủ duy nhất trong số này ngốn tiền chuyển nhượng của PSG. Hậu vệ cánh người Ma Rốc đến từ Inter với giá 60 triệu euro. Đấy là bản hợp đồng nặng ký? Vậy, hãy lưu ý: 4 ngôi sao còn lại đều nổi tiếng hơn Hakimi rất nhiều, và họ đều đến PSG trong tư cách cầu thủ tự do. Đấy khó có thể là sự trùng hợp tình cờ. Họ đã “hẹn trước” với PSG?
Giống như cách PSG mua Hakimi dễ dàng, Chelsea vừa “muốn” là đã có ngay Romelu Lukaku, với giá gần 100 triệu bảng. Jack Grealish trở thành cầu thủ đắt giá nhất trong làng bóng Anh (100 triệu bảng), ngay khi Man City “chấm” tiền vệ này. Chuyển nhượng rất nhanh. Jadon Sancho cũng vậy, với cú chuyển nhượng 73 triệu bảng từ Borussia Dortmund về MU. Chỉ riêng 3 bản hợp đồng mang tên Sancho, Grealish, Lukaku, đã có giá chuyển nhượng tổng cộng cao hơn toàn bộ “cửa sổ mùa hè” ở La Liga cộng lại (tính đến buổi sáng của ngày chuyển nhượng cuối cùng). Vẫn như mọi khi, Premier League – toàn giải nói chung cũng như các đội mạnh nói riêng – là những “đại gia” giàu nhất thế giới. Một khi Chelsea hoặc hai ông lớn thành Manchester đã “chấm” ngôi sao nào, thì còn ai cạnh tranh được với họ trong thời buổi suy thoái này. Tiện thể, xem hãy hiểu thêm: Man City chưa bao giờ thật sự muốn Harry Kane, chứ làm gì có chuyện họ muốn mà không mua, chỉ vì còn thiếu vài chục triệu bảng!
Khi nói về khái niệm “Big 6” ở Premier League, thì phải hiểu rằng đấy là 6 CLB giàu nhất, chứ không phải mạnh nhất. Đẳng cấp chuyên môn của Arsenal thì đã trở nên tầm thường suốt nhiều năm rồi. Nhưng tóm lại, đây vẫn là một trong sáu đội giàu nhất Premier League, và đấy là lý do vì sao Arsenal chi đến 50 triệu bảng chỉ để mua lại trung vệ tầm thường Ben White. HLV Mikel Arteta muốn có White, và chẳng ai cạnh tranh nổi với Arsenal. Tương tự, MU muốn có Raphael Varane để cùng Harry Maguire hình thành cặp trung vệ chắc chắn. Thế là họ dễ dàng mua được Varane.
25 triệu euro cho 11 “Quả Bóng Vàng”!
Lionel Messi và Cristiano Ronaldo là chủ nhân của 11 danh hiệu “Quả Bóng Vàng”, cũng là hai siêu sao xuất sắc và nổi tiếng nhất thế giới hơn chục năm nay. Họ cùng thay đổi CLB – đấy đã là chuyện “động trời”. Càng lạ hơn, khi đội bóng cũ của họ chỉ nhận được khoảng 25 triệu euro. Đấy là giá chuyển nhượng của Ronaldo, từ Juventus về MU (Ronaldo chỉ còn 1 năm hợp đồng ở Juventus). Messi là cầu thủ tự do khi gia nhập PSG.