Tập trung nhiều vào tấn công?
Số bàn thắng ở Premier League nhìn chung đang đi lên kể từ khi chạm đáy khoảng 15 năm trước, tăng từ mức thấp 2,45 bàn mỗi trận ở mùa 2006/07 lên mức cao nhất mọi thời đại của giải đấu mùa trước với trung bình 2,85 bàn. Các CLB đua vô địch đã đẩy tỷ lệ đó lên cao hơn những mùa Premier League gần đây. Mùa trước, Man City (94 bàn) và Arsenal (88) sở hữu tổng số bàn nhiều hơn gấp khoảng 3 lần so với Wolves – đội ghi được ít bàn nhất giải (31).
Vì sao như vậy? Rủi ro và phần thưởng đã trở thành một cụm từ phổ biến trong chiến thuật ở Premier League, thường được sử dụng khi đề cập đến các CLB chơi với hàng thủ dâng cao. Liverpool là đội nổi bật ở phong cách này, khi những đường chuyền trung bình của The Reds cách cầu môn đội nhà 45,22 mét ở mùa 2019/20. Thậm chí, con số này còn cao hơn ở mùa 2021/22, khi đội bóng của Jurgen Klopp dồn ép đối thủ vào không gian chật hẹp hơn, đồng thời áp dụng chiến thuật counter-press (khi mất bóng ở sân đối phương, các cầu thủ thay vì chạy về, sẽ lập tức gây sức ép để đòi lại bóng) nhằm chống phản công.
Man City cũng chơi với hàng thủ cao như Liverpool, thậm chí cao hơn. Dù vậy, phong cách thi đấu chậm hơn của Man xanh thường gây ra ít rủi ro hơn so với cách tiếp cận máu lửa của Quỷ đỏ. Rủi ro cao, phần thưởng lớn, đó là những gì mà phần lớn các CLB tại Premier League đang theo đuổi. Tất cả khiến số lượng bàn thắng trong mỗi trận đấu tăng lên đáng kể.
Sút xa suy giảm
Premier League 2009/10 chứng kiến sự gia tăng đột biến về số bàn thắng, mùa giải đó cũng trùng với thời điểm suy giảm các cú sút từ ngoài vòng cấm. Cách đây 13 năm, các trận đấu ghi nhận trung bình 12,8 cú sút xa mỗi trận, song con số này đã giảm xuống chỉ còn 8,4 mùa trước – tương đương với mức giảm 34%. Vì sao sút xa lại suy giảm mạnh đến vậy? Manh mối nằm trong chính cái tên của nó: sút xa.
Một cú sút từ xa ít có khả năng dẫn đến bàn thắng hơn nhiều so với một cú sút từ trong vòng cấm. Các CLB đang ngày càng cầm bóng nhiều nhằm cố gắng tạo ra những cơ hội rõ ràng hơn trước khung thành thay vì những cú sút từ xa. Kể từ mùa 2010/11, chỉ có khoảng 3,5% số cú sút từ ngoài vòng cấm đi vào lưới, so với hơn 15% số cú sút từ trong vòng cấm được chuyển hóa thành công, bao gồm cả những quả phạt đền. Do đó, dứt điểm gần với cầu môn đối phương sẽ hiệu quả hơn gấp 4 lần việc bắn phá từ xa.
Số quả tạt cũng giảm
Tận dụng hai biên và thực hiện các quả tạt là một cách tiếp cận tấn công nổi bật trong các trận đấu ở Premier League một thời gian dài. Dù vậy, xu hướng đó cũng đang suy giảm nhanh chóng. Trở lại mùa 2003/04, các trận đấu ghi nhận trung bình 42 quả tạt từ tình huống bóng sống mỗi trận. Mùa trước, mức trung bình đó đã giảm mạnh xuống còn 24, tương đương với mức giảm 43%.
Điều thú vị là các CLB ở nửa trên bảng xếp hạng lại chính là những đội tạt bóng nhiều nhất mùa trước. Fulham đã cố gắng thực hiện 582 quả tạt để tận dụng khả năng không chiến của Aleksandar Mitrovic. West Ham, cũng có truyền thống mạnh về không chiến, đứng thứ hai trong danh sách này. Tuy nhiên, các CLB tốp đầu thường sở hữu nhiều quả tạt hơn nhờ tỷ lệ cầm bóng nhiều trong các trận đấu.
Liverpool là CLB vốn rất ưa thích những quả tạt nhờ sự xuất sắc của hai hậu vệ cánh. Tuy nhiên, cách tiếp cận đó cũng bắt đầu thay đổi vào cuối mùa trước, khi Trent Alexander-Arnold thường xuyên được kéo lên đá tiền vệ. Một lý do cho sự suy giảm mạnh về số lượng quả tạt ở mỗi trận đấu có liên quan đến xu hướng ngày càng tăng về độ chính xác và hiệu quả. Khi một đội bóng tạt nhiều song hiệu quả thấp, họ sẽ để mất quyền kiểm soát bóng vào tay đối thủ. Bởi vậy, các CLB giờ có xu hướng chơi trực diện qua những đường chuyền ở trung lộ hoặc khoét vào nách để tiếp cận vòng cấm.
Premier League đang diễn ra nhanh hơn?
Kể từ mùa 2020/21, khi các chỉ số đo lường thay đổi, số lần chạy nước rút mỗi trận đã tăng dần qua mỗi mùa, tăng từ 127 ở mùa 2020/21 lên 129 ở mùa 2021/22 và nhảy vọt lên 134 mùa trước. Hầu hết các CLB tốp đầu đều nằm ở nửa trên bảng xếp hạng này, ngoại trừ Man City, đội thi đấu theo một phong cách gần như độc nhất với lối chơi gắn kết kín kẽ giữa các tuyến và dựa trên khâu kiểm soát bóng.
Tuy nhiên, thực tế là theo logic, phù hợp với cách chơi hiện nay, thì các CLB có tỷ lệ kiểm soát bóng trên mức trung bình và hàng công dâng cao sẽ chỉ cần chạy quãng đường ngắn hơn, nghĩa là không cần chạy nước rút quá nhiều. Lý do bởi họ đang chơi ở khu vực sân bị nén hơn và không phải đuổi theo bóng, ngay cả khi tính đến nhu cầu di chuyển để tìm khoảng trống.
Các CLB pressing nhiều hơn?
Pressing đang gia tăng, đặc biệt là pressing tầm cao. Từ mùa 2003/04 đến mùa trước, tỷ lệ giành lại bóng ở 1/3 trận cuối tăng từ mức trung bình 4,3 mỗi trận lên 9,7 – tương đương mức tăng 125%. Mùa trước, Man City và Liverpool đứng đầu ở chỉ số này, còn Arsenal xếp thứ ba. Thực tế, tất cả các đội ở nửa trên BXH chung cuộc, trừ Fulham và Tottenham, đều có tỷ lệ cao giành lại bóng ở 1/3 cuối sân đối phương. Điều này cho thấy pressing tầm cao ngày càng trở nên quan trọng trong quá trình phát triển chiến thuật gần đây.
Xu hướng này diễn ra song song với việc các CLB ngày càng dâng cao hơn trên sân. Các CLB cần giành lại quyền kiểm soát bóng, gây áp lực lớn ở khu vực giữa sân và khu vực 1/3 cuối sân nhằm ngăn chặn các pha phản công nguy hiểm, đồng thời khiến đối thủ bị dồn vào khu vực phòng ngự của họ. Rõ ràng, tấn công gần khung thành đối phương hơn có lợi hơn so với bắt đầu tấn công sâu hơn trên sân nhà, và cũng khiến đối thủ dễ mắc lỗi.
Đây là bài viết thuộc BIG STORY “Toàn cảnh Ngoại hạng Anh mùa giải 2023/24”.
Quý độc giả có thể xem thêm tất cả các bài viết thuộc BIG STORY này tại link sau: https://bongdaplus.vn/ngoai-hang-anh/toan-canh-ngoai-hang-anh-mua-giai-2023-24-ai-lat-do-duoc-man-city-4077772308.html