Sau khi Jordan Henderson và James Milner rời Liverpool, chiếc băng thủ quân ở Liverpool vẫn bỏ ngỏ. Nhưng Jurgen Klopp đã có ứng viên số một là Van Dijk, người đeo băng đội trưởng ở trận giao hữu với Karlsruher hôm 19/7. Trong một bình luận trên Twitter, tân binh Dominik Szoboszlai cũng gọi Van Dijk là đội trưởng.
Klopp có lý khi xếp Van Dijk cao hơn các ứng viên khác gồm Mohamed Salah, Alexander-Arnold và Andy Robertson. Trung vệ người Hà Lan có thâm niên và tiếng nói trong phòng thay đồ, có vai trò chủ chốt ở hàng phòng ngự. Những mùa trước, Van Dijk vẫn thường đeo băng thủ quân khi vắng Henderson và Milner. Hơn nữa, cầu thủ 32 tuổi cũng quen với vai trò thủ lĩnh khi đang là đội trưởng ĐT Hà Lan.
Nhưng Van Dijk sinh ra không phải để làm thủ lĩnh. Cái chất lầm lì, có phần bất cần của trung vệ người Hà Lan thể hiện phần nào cái tôi cô độc. Van Dijk không đứng trên sân để kết nối các đồng đội mà để phát ra cái uy của một trung vệ giàu bản lĩnh. Khi ở phong độ cao, cái uy đó tự khắc trở thành chỗ dựa cho các cầu thủ Liverpool. Nhưng khi phong độ không còn đảm bảo, Van Dijk mất hết uy phong và thu mình vào sự lầm lì tiêu cực.
Điều đó trái ngược với Jordan Henderson. Ngay cả khi đã qua thời đỉnh cao, Henderson vẫn là thủ quân tin cậy của Liverpool. Ở tiền vệ người Anh toát lên thần thái của một người đứng mũi chịu sào. Henderson quát tháo các đồng đội, nhảy vào tranh cãi với trọng tài và xô ngã cầu thủ đối phương để giành lấy quả bóng ngoài đường pitch. Ngôn ngữ cơ thể của Henderson lúc nào cũng toát lên sự hừng hực của một dũng tướng.
Còn Van Dijk lại có điểm yếu trong giao tiếp trên sân. Trung vệ người Hà Lan không giỏi trong việc chỉ đạo các đồng đội. Điều đó không nằm trong “ý thức hệ” của một cầu thủ chỉ tập trung vào phát huy bản ngã của mình. Hãy xem Van Dijk chơi bóng, cực kỳ điềm đạm như thể không ai có thể bắt cầu thủ này chơi theo kiểu khác. Cách chơi đó được tung hô khi Van Dijk ở thời kỳ đỉnh cao. Còn hiện tại sau những chấn thương và gánh nặng tuổi tác, sự điềm đạm hóa thành chậm chạp.
Gertjan Verbeek, cựu HLV Twente và AZ Alkmaard, gọi Van Dijk là “kẻ yếu đuối trong thân xác khổng lồ”. Ông từng yêu cầu tước băng thủ quân ĐT Hà Lan của trung vệ không biết khích lệ và kết nối đồng đội. Còn Robert Maaskant, người từng dẫn dắt Van Dijk tại CLB Heerenveen thì cho rằng ‘ngôn ngữ cơ thể của Van Dijk thể hiện nội tâm lạnh lùng và khép kín. Đó là điều cậu ấy cần cải thiện nếu muốn trở thành một trung vệ tầm cỡ”.
Thực tế là Van Dijk đã trở thành một trung vệ tầm cỡ, thậm chí hay nhất thế giới ở giai đoạn 2018-2020. Khi đó chỉ cần Van Dijk đứng trên sân là đối phương đã xanh mặt. Còn hiện tại khi đã ở sườn dốc bên kia, trung vệ 32 tuổi có thể bị vượt qua bởi một tiền đạo tầm trung tại Premier League. Khi chuyên môn không còn xuất sắc, người thủ quân cần phát huy nhiều hơn giá trị tinh thần và khả năng lãnh đạo. Tiếc rằng điều đó lại không tìm thấy đủ đầy ở Van Dijk.