Bạn đồng nghiệp đặt câu hỏi: Điều gì đang diễn ra ở Thanh Hóa? Rồi rất nhiều sự băn khoăn khi nghĩ về TP.HCM hay Bình Dương. Những đội bóng mạnh bỗng chốc đánh mất sự nhịp nhàng thì đương nhiên phải có vấn đề nội tại nào đó. Tài chính, hay những vấn đề nội bộ luôn được giới chuyên môn và dư luận nghĩ đến đầu tiên. Thậm chí, dư luận đi xa hơn khi hướng sự chỉ trích đến giới lãnh đạo vốn chưa thể hoàn thành trách nhiệm vốn được quy định rất rõ trong hợp đồng.
Có một ông bầu tâm sự với người viết rằng, đương nhiên, làm chủ thì phải hoàn thành cam kết với người lao động. Tiền bạc luôn là thứ khiến người ta sung mãn nhất nhưng cũng là lý do khiến cầu thủ đánh mất tinh thần chiến đấu. Nhưng đôi khi, những người chủ luôn cảm thấy cô đơn bởi khi gặp những khó khăn khách quan cần sự chia sẻ, cần những cú hích về chuyên môn để gỡ về tài chính thì đội bóng lại đi xuống về thành tích khiến mọi thứ càng trở nên rối rắm. Ông chia sẻ, mỗi mùa giải tôi bán một căn biệt thự để lo cho đội bóng. Nhưng bối cảnh hiện tại thì đâu cứ muốn bán được nhà là được. Thị trường gặp khó thì tìm được cách mua nhà cũng gian nan bội phần.
Người ta hình dung về những ông bầu với tư cách người đi tiêu tiền cho niềm đam mê hay những thỏa ước nào đó cấp vĩ mô. Đương nhiên, họ phải là những người nhiều tiền, hoặc có thể tìm ra tiền nuôi bóng đá. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, dòng tiền bị bóp nghẹt, không quá khó để nhận thấy, rất nhiều đội bóng vốn dồi dào về tài chính thì nay phải điều chỉnh chiến lược hoặc bắt đầu xuất hiện việc chậm lương, chậm thưởng.
Và khi ấy, những rắc rối trong phòng thay đồ xuất hiện khi cầu thủ muốn được thực hiện cam kết, muốn mọi thứ rõ ràng trước khi mùa giải khép lại. Thế nhưng, cách giải quyết khôn ngoan nhất trong bóng đá chính là sự sẻ chia, đồng lòng và ứng xử chuyên nghiệp. Bởi trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện tại, nhà tài trợ vốn đã rất mệt mỏi về tài chính lại thêm căng thẳng về tinh thần thì rất dễ chọn phương án dễ nhất là buông tay…