Nhưng trước khi trái bóng lăn mang theo những niềm tự hào xúc động đó, thì đã có những điều đặc biệt khác được những Thanh Nhã, Huỳnh Như, Hoàng Thị Loan, Tuyết Dung, Chương Thị Kiều… âm thầm tạo nên suốt mấy năm qua: Cuộc chiến định hình lại cái đẹp và sự công bằng trên mạng xã hội của bóng đá nữ.
1. Thế nào là cái đẹp?
Tại các chương trình Bình luận bóng đá ở những kỳ EURO, World Cup. Người hâm mộ Việt Nam đã quá quen với dàn các cô gái xinh đẹp, ngồi trước sóng và đưa ra những bình luận “gây ngơ ngác” và buồn cười cho những người hâm mộ bóng đá. Chúng ta chỉ trích, chúng ta chế giễu, chúng ta bình phẩm. Nhưng chưa bao giờ chúng ta đặt câu hỏi: “Các tuyển thủ nữ Việt Nam ở đâu rồi? Họ có gì không tốt mà không được lên sóng?” Phải, tuyển nữ Việt Nam chuyên môn đầy mình, nét đẹp không thiếu, cớ sao không được xuất hiện ở đây, mà phải là những hotgirl?
Có hai đáp án cho câu trả lời này. Thứ nhất: vì chính những người đứng trước màn hình như chúng ta. Các bạn định nghĩa rằng vẻ đẹp phải là da trắng, dáng cao, mắt lúng liếng, cằm V-line. “Cầu nào thì cung đó”, vì ta xem truyền hình như thế nên nhà đài sẽ đáp ứng như thế cho bạn thôi. Thứ hai: vì các cô gái bóng đá nữ Việt Nam không đẹp bằng hotgirl. Vì sao? Vì họ không có nhiều thời gian chăm sóc cơ thể mình, làn da mình, mà phải phơi nắng, phơi gió trong những giờ luyện tập mướt mồ hôi để chăm lo cho cuộc sống bản thân, cho đam mê với trái bóng tròn, và cho cả một cái nhân danh mà nhiều người hay đưa ra nhất: niềm tự hào dân tộc. Dẫu phía sau ngọn cờ là bao nhiêu giọt nước mắt của nữ nhân mang giày đá bóng.
Và vì thế mà ta phải định nghĩa lại về cái đẹp. Chính xác hơn là người viết đã phải định nghĩa lại toàn bộ cái đẹp khi chứng kiến bước chạy của những tuyển thủ nữ Việt Nam trong các trận đấu của họ. Đầu tiên là Thanh Nhã với những sải chân tốc độ, dáng cao mạnh mẽ, mái tóc dài bay theo gió, và duyên dáng ngây thơ lướt đi cùng trái bóng. Hình ảnh Thanh Nhã là nét đẹp của thể thao. Những pha cản phá của trung vệ Chương Thị Kiều, với một bên chân quấn đầy băng trắng đã lao lên cản phá cầu thủ Nhật Bản từ trước vòng 16m50. Hình ảnh Hoàng Thị Loan ngã xuống, bật dậy, nhưng vẫn đẹp ràng ngời ở trên sân cỏ.
Đó là vẻ đẹp của sự ngoan cường, là biểu tượng của 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phong tặng cho người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Đấy là 7 bàn thắng và 2 kiến tạo của Huỳnh Như trên đất Bồ Đào Nha, đấy là cú sút phạt thành bàn và ăn mừng với điệu nhảy “See tình” đưa hình ảnh Việt Nam ra khắp thế giới. Cô không chỉ là cầu thủ nữ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử thi đấu ở châu Âu, mà khẳng định luôn đây là tuyển thủ Việt Nam hay nhất lịch sử trong 20 năm vọng xuất ngoại của nền bóng đá nước nhà. Vẻ đẹp của Huỳnh Như là vẻ đẹp của sự vươn lên, của tinh thần bơi ra biển lớn. Và đó là Tuyết Dung với những bàn thắng đến từ… chấm đá phạt góc từng khiến liên đoàn bóng đá thế giới FIFA phải sửng sốt, là tinh thần chiến đấu chưa bao giờ bỏ cuộc, là những bàn thắng quyết định có tính cứu rỗi cho đội tuyển. Vẻ đẹp cá tính của Tuyết Dung chứa đựng cả một tuổi thơ bước qua định kiến để theo đuổi ước mơ. Và cuối cùng, xin không thể không nói về HLV Mai Đức Chung, người mang vẻ đẹp âm thầm, lặng lẽ, và ấm áp như một viên ngọc trăm năm.
Đến đây, người viết xin trích dẫn một câu nói nổi tiếng của tác giả Elisabeth Kübler-Ross từng viết trong cuốn sách của bà, đó là: “Những con người đẹp nhất là những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát, và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu. Những người này có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời, cuộc đời đã làm họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và quan tâm yêu thương sâu sắc. Người đẹp không tự nhiên mà có.”
Bóng đá nữ Việt Nam đã định nghĩa lại cho chúng ta về vẻ đẹp đích thực.
2. Sự công bằng trên mạng xã hội
Tôi tin rằng tất cả người Việt Nam đều hơn 5 lần, 10 lần viết ra những bình luận có tính “đòi công bằng” cho tiền thưởng của các cô gái bóng đá nữ với bóng đá nam. Càng không thiếu những bài viết thương cảm cho số phận long đong của những bóng hồng theo nghiệp bóng đá. Thế nhưng khoảng cách giữa lời nói và việc làm là mênh mông vạn trượng, giữa khát khao thay đổi và thực tế phũ phàng là một điều gì đó quá xa vời, và bánh xe thời đại đã cán nát sự cố gắng trong việc dồn chú ý dành cho bóng đá nữ. Bạn có làm gì đi nữa thì cũng không thể chối bỏ được sự thật: bóng đá nam hấp dẫn hơn bóng đá nữ. Chúng ta không chống lại được trào lưu, dù chúng ta cháy bỏng muốn điều tốt đẹp nhất đến với các tuyển thủ nữ Việt Nam.
Vậy ai sẽ thay đổi điều này? Không phải là lời kêu gọi của anh, không phải là bài viết của tôi, không phải là một lãnh đạo VFF hay vị chức sắc nào đó, mà chính các cô gái bóng đá nữ Việt Nam đã cứu chính mình. Chính họ đã và đang thay đổi lại hoàn toàn sự chú ý của truyền thông, của mạng xã hội dành cho đội tuyển nữ Việt Nam. Tại SEA Games 32, hình ảnh Thanh Nhã trở thành “hot trend” ngay sau trận chung kết. Trước đó ba năm, vẻ đẹp duyên dáng của Hoàng Thị Loan “đốn” hết toàn bộ cánh mày râu cả nước. Thậm chí cô đã tạo ra những cảm xúc chưa từng có như câu thốt lên của một người chú xem bóng bên đường: “Sao nó đẹp mà nó đá tội vậy!” Mỗi bước chân của đội trưởng Huỳnh Như tại Lank FC, Bồ Đào Nha đều được truyền thông dõi theo. Các bàn thắng của cô ghi được phủ sóng trên các phương tiện truyền thông cả nước.
Liên quan đến tiền thưởng, với tấm huy chương vàng thứ 8 của bóng đá nữ Việt Nam trong lịch sử các kỳ SEA Games – một kỷ lục của giải đấu, ngay sau khi về nước, đội tuyển nữ Việt Nam được nhận tổng cộng 5,6 tỷ đồng tiền thưởng từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các nhà tài trợ. Các cô gái bóng đá nữ Việt Nam cũng nhận mưa tiền thưởng từ chiếc vé đi dự World Cup, và được thủ tướng đến thăm hỏi động viên trước giờ xuất quân. Đến giờ có thể mạnh dạn nói rằng, các cô gái của thế hệ World Cup hôm nay của Việt Nam đã ít nhiều không còn lo về cơm áo gạo tiền. Nhưng tất cả những thứ mà tuyển nữ giành được đến lúc này đều đến từ chính bàn tay, khối óc, ý chí, sự hy sinh và tài năng của chính họ. Rồi đây tháng 7 này, khi trái bóng World Cup lăn tại Australia và New Zealand, toàn bộ nền thể thao Việt Nam, toàn bộ mạng xã hội sẽ lại một lần nữa gọi tên các cô gái tuyển thủ nữ Việt Nam trong cổ vũ thân thương nhất, chỉ riêng họ mà thôi.
Cuộc sống này vốn dĩ không công bằng, bóng đá nữ đã quen với điều đó. Nhưng thay vì chấp nhận, họ dùng ý chí và nỗ lực để thay đổi.