Có được một đội trưởng như thế, chẳng khác nào có được một “con trâu” tốt trong nhà, cày ruộng kéo xe việc gì cũng băng băng, thuận lợi như trở bàn tay vậy. HLV chỉ việc rung đùi ngồi “toạ sơn quan hổ đấu”, mọi việc trên sân đã có “thằng bé” lo, tín nhiệm hết nấc.
Thế nên, ở thời hoàng kim của Sir Alex Ferguson, lúc nào MU cũng kiếm được một đội trưởng ra dáng đội trưởng, chứ không “tấu hài” giống như thanh niên Harry Maguire – người chơi bóng thì lập bập, nhìn thấy tiền đạo đối phương mặt trắng bệch như bông Bạch Tuyết, nói năng ấp a ấp úng, để anh em cãi tay đôi chan chát.
Đội trưởng hồi xưa của MU phải là Eric Cantona, hễ bước ra sân là hiên ngang như đi ra pháp trường, cổ áo dựng đứng, mặt luôn nghếch lên xem thiên văn, coi đối thủ chẳng ra gì theo kiểu “mục hạ vô nhân”. Anh em và CĐV nhìn phong thái đó ngưỡng mộ vô cùng, tự tin vô đối, chưa đá đã biết thắng rồi.
Đến thời Roy Keane làm đội trưởng cũng dữ dội oai hùng. Trận đấu giữa MU và Arsenal không phải màn so tài giữa hai đội bóng mạnh nhất Premier League, mà là trận đọ bản lĩnh giữa 2 đội trưởng “hổ báo” nhất giải đấu, Keane và Patrick Vieira. Kể cũng lạ, một Vieira có thể chảy nước mắt khi nhìn lá rơi lại có thể hóa thành “hung thần ác sát” mỗi khi chạm mặt Keane.
Bởi những cầu thủ này đều là những thủ lĩnh bẩm sinh. Họ biết cách chỉ huy đồng đội không chỉ trong tấn công hay phòng ngự, mà còn ở những màn uy hiếp trọng tài hay dằn mặt đối thủ bên kia chiến tuyến. Ngôn ngữ, cơ bắp, dáng vẻ, thần thái đều là vũ khí của họ để đạt được mục đích. Nhìn cách Roy Keane chê các hậu duệ của MU mười mấy năm không chán mới hiểu phẩm chất thủ lĩnh đã ăn sâu trong máu ông như thế nào.
Và rõ ràng, một đội bóng thành công có thể không có ngôi sao, nhưng phải có một thủ lĩnh đích thực. Giai đoạn MU và Arsenal thống trị Premier League cũng là lúc họ có Eric Cantona, Roy Keane, Patrick Vieira. Đến thời Chelsea nở mày nở mặt thì họ có John Terry lừng danh quái kiệt. Man City cũng chỉ nên người khi có được hộ pháp Vincent Kompany “trấn trạch”.
Nhìn sang Real Madrid đến giờ vẫn chưa thấy ai xoá nhòa được hình bóng của thủ quân Sergio Ramos: giỏi ghi bàn quyết định, nhưng còn giỏi… đánh người và triệt hạ đối thủ hơn. Tại những CLB lớn trên toàn giới, đâu đâu cũng có những “con trâu” tốt để “gánh team” cả.
Chuyện MU ngày càng lụn bại cũng không phải ngẫu nhiên trùng với giai đoạn họ không có một thủ lĩnh trên sân. Có thể nói, Wayne Rooney là thủ lĩnh thực sự cuối cùng tại Old Trafford. Còn sau đó, những Antonio Valencia, Ashley Young, Harry Maguire, Bruno Fernandes nếu không hiền lành ngờ nghệch thì cũng giỏi tự biến mình thành trò hề trên sân cỏ.
Thế mới nói, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, đội trưởng là đầu mối của việc thành bại. Erik ten Hag biết tìm đâu ra “con trâu” tốt bây giờ?