Từ một trợ lý ở Man City, Mikel Arteta đã được ban lãnh đạo Arsenal “nhấc” thẳng lên nắm cương vị HLV trưởng ở Emirates. Xuyên suốt từ thời điểm được bổ nhiệm năm 2019 đến giờ, chiến lược gia người Tây Ban Nha luôn nhận được sự ủng hộ và tin tưởng. Đó là tiền đề để Arteta mạnh dạn gây dựng nên một đội bóng đang cạnh tranh ngôi vô địch giải Ngoại hạng Anh với Man City như bây giờ.
Còn Chelsea thì sao? Chỉ trong 1 mùa giải, đã có tổng cộng 4 HLV ngồi trên ghế chỉ đạo của đội chủ sân Stamford Bridge. Sau khi Thomas Tuchel bị sa thải, ông chủ Todd Boehly đã bổ nhiệm Graham Potter thay thế. Nhưng mới qua nửa mùa bóng, cựu HLV Brighton lại bị đẩy ra đường do thành tích kém cỏi của đội nhà. Trợ lý Bruno Saltor sau đó tạm tiếp quản đội bóng, trước khi Frank Lampard được chọn làm HLV tạm quyền đến hết mùa giải này.
Việc thay tướng liên tục cho thấy sự bất ổn của Chelsea, khiến đội chủ sân Stamford Bridge bị xoay như chong chóng và không thể định hình lối chơi.
Arsenal có chiến lược mua sắm rõ ràng. Họ mua cầu thủ mà không quan tâm đến danh tiếng. Quan trọng là mục tiêu đó phải phù hợp với lối chơi mà HLV Arteta gây dựng. Đó là lý do giải thích tại sao dưới thời của HLV Arteta, các phi vụ của Arsenal thường không quá đình đám. Thậm chí chả mấy người quan tâm khi “Pháo thủ” được tăng cường những cầu thủ như Oleksandr Zinchenko, Martin Odegaard hay Aaron Ramsdale…
Còn Chelsea mua sắm bạt mạng như kiểu ông chủ Boehly muốn thể hiện chất chơi. Họ chi hơn 600 triệu euro mua sắm, nhưng chỗ thiếu vẫn thiếu, mà chỗ thừa lại càng thừa. Điều dễ thấy nhất là đội hình của The Blues đang rất mất cân đối. Họ không có một trung phong xuất sắc nào và vẫn đang phải trông cậy nhiều vào chân sút thi đấu thất thường Kai Havertz.
Chelsea nên học Arsenal. Họ nên thận trọng lựa chọn 1 HLV có năng lực để chèo lái đội bóng. Sau đó, ông chủ Boehly mới dựa vào đề án phát triển đội bóng của tân HLV trưởng để tìm mua về Stamford Bridge những nhân tố phù hợp.
Suốt nhiều năm, Arsenal bị mang tiếng là không biết “dạy bảo” CĐV. Đã từng có thời điểm, các khán đài ở Emirates luôn trong tình trạng bát nháo. Nhưng bây giờ, sân nhà là điểm tựa tinh thần tuyệt vời đối với thầy trò HLV Arteta. Arsenal thậm chí còn sáng tác riêng bài hát để cổ động viên hát “chào sân” trước mỗi trận đấu ở Emirates.
Chelsea thì ngược lại. Họ đang bị CĐV đội nhà quay lưng. Trong các trận đấu gần đây của đội bóng thủ đô London, những gì mà các cầu thủ nhận được từ các khán đài của sân Stamford Bridge là những tiếng huýt sáo, la ó, những biểu ngữ kêu gọi sa thải người này, tống cổ người kia. Nhìn chung, thầy trò HLV Frank Lampard gần đây đá sân nhà còn bị áp lực hơn cả những trận sân khách. Đó là lý do giải thích tại sao họ không thắng suốt 6 trận đấu vừa qua ở Stamford Bridge.
Muốn biến Stamford Bridge trở thành pháo đài bất khả xâm phạm ở mùa tới, Chelsea cần phải tham khảo cách Arsenal đã “thuần hóa” các CĐV.
Arsenal chủ trương mua cầu thủ hợp với đội bóng chứ không mua ngôi sao. Do vậy, họ không mấy khi chi đậm trên thị trường chuyển nhượng. Nhưng nhận thấy đội bóng thiếu một trung phong đẳng cấp ở mùa trước, nên mùa Hè năm 2022, lãnh đạo CLB đã không tiếc tay chi hơn 52 triệu euro để đưa về Emirates tiền đạo Gabriel Jesus.
Chelsea mua sắm rất nhiều trong 2 phiên chuyển nhượng của mùa Hè này. Nhưng họ tuyệt nhiên không để mắt đến “số 9” nào. Có lẽ đã đến lúc, ông chủ Boehly cần phải nghiêm túc cân nhắc đến khả năng đưa về Stamford Bridge một bản hợp đồng “bom tấn” để tăng cường cho tuyến đầu của Chelsea. Harry Kane của Tottenham hay Victor Osimhen của Napoli là những tên tuổi mà ông Boehly nên tiếp cận trong mùa Hè này.
Dù với bất kỳ HLV nào được bổ nhiệm dẫn dắt Chelsea ở mùa giải tới, một trung phong đẳng cấp kiểu như Kane hay Osimhen là sự bổ sung rất cấp bách.
Arsenal từng bị mỉa mai và được đặt biệt danh là “nhà trẻ”. Nhưng ở mùa này, những đứa trẻ của HLV Arteta đã khôn lớn. Những Martinelli hay Saka đang chơi quá hay, thậm chí đang được so sánh với “song sát” huyền thoại tại giải Ngoại hạng Anh là Cristiano Ronaldo và Wayne Rooney trước đây của MU.
Chelsea thì chỉ muốn “ăn xổi”. Họ không có đủ sự kiên nhẫn dành cho các cầu thủ trẻ. Do vậy, những ngôi sao tương lai ở Stamford Bridge cứ dần bị thui chột tài năng, hoặc phải sớm tìm đến một bến đỗ khác.
Hiện tại, đội hình của The Blues đang có một số cầu thủ trẻ rất tài năng. Đó là tiền vệ Enzo Fernandez (22 tuổi), cầu thủ chạy cánh Mykhailo Mudryk (22 tuổi), Conor Gallagher (23 tuổi)… Những cầu thủ này cần phải được xem là nòng cốt của Chelsea ở mùa tới, dù với bất kỳ HLV nào trên băng ghế chỉ đạo. Đồng thời, lãnh đạo CLB cũng cần khai thác tìm kiếm nhân sự mới nhiều hơn từ đội trẻ.
Có như vậy, Stamford Bridge mới có hy vọng xuất hiện những cầu thủ “tuổi trẻ tài cao” như cách Arsenal đang có Saka, Martinelli…