Khi Pep lại nghĩ nhiều
Vài năm trở lại đây, truyền thông quốc tế bắt trúng căn bệnh “nghĩ nhiều” của Guardiola. Đúng với tên gọi của nó, chiến lược gia người Tây Ban Nha có xu hướng suy nghĩ quá nhiều, quan trọng hóa vấn đề trước các trận đấu lớn, để rồi đưa ra những thay đổi chiến thuật không cần thiết. Man City đã rất nhiều lần phải ôm hận, đặc biệt tại Champions League, vì cái tính cẩn trọng này của Pep. Đôi khi, chỉ cần vận hành đơn giản như bình thường, Man xanh nói chung và Guardiola nói riêng có lẽ đã tránh được hàng tấn bi kịch.
Nhưng nếu vì điều này mà chúng ta cho rằng Guardiola sẽ chừa và ngừng nghĩ nhiều, thì đó là sai lầm lớn. Trong một trận cầu được cả hành tinh hồi hộp chờ đợi, gọi là “trận chung kết” định đoạt ngôi vương Premier League 2022/23, đối mặt với một HLV hiểu rõ mình hơn bất kỳ ai khác, Pep Guardiola đã chọn phương án gây bất ngờ về mặt chiến thuật. Trong khi Man City và Arsenal có thể hơi khác nhau về sơ đồ xuất phát – với việc Man xanh có xu hướng áp dụng hệ thống gần giống 4-3-3, còn Pháo thủ chọn cho mình hệ thống 4-2-3-1 – thì họ đều ưa thích chuyển sang sơ đồ 3-2-5 với hàng tiền vệ dày đặc khi kiểm soát bóng.
Tuy nhiên, đào sâu vào phân tích, đó không thực sự là những gì Man City đã làm trước Arsenal tại Etihad cách đây 1 tuần. Thay vào đó, Man xanh biến đổi thành một hệ thống giống 4-4-2 hơn, nhằm hóa giải khả năng pressing tầm cao khó chịu của Arsenal, đồng thời tung ra những đường chuyền dài chất lượng cho các mũi nhọn trên hàng công. Chính các đường chuyền vượt tuyến chuẩn xác, mang tính sát thương cao như vậy đã giúp Man City chuyển đổi trạng thái rất nhanh, khiến Arsenal hoàn toàn mất phương hướng. Bàn mở tỷ số của Man xanh đến từ một pha dàn xếp như vậy.
John Stones dưới áp lực ập vào cướp bóng của Martin Odegaard và Gabriel Jesus đã thực hiện pha chuyền dài lên cho Erling Haaland đang lùi sâu xuống chờ bóng, thay vì chọn phương án cũng tương đối an toàn là chuyền cho Kyle Walker đứng ngay bên trên ở cánh phải. Haaland làm tường tốt, che chắn nhằm thoát khỏi sự “chăm sóc” từ Rob Holding rồi chuyền cho Kevin De Bruyne. Tiền vệ người Bỉ tự tin xộc thẳng vào trung lộ trước khi tung cú sút hiểm hóc bằng chân phải đánh bại thủ thành Aaron Ramdales. Mọi thứ diễn ra nhanh, đơn giản và hiệu quả. Arsenal rõ ràng đã không ngờ đến cách tiếp cận này của Man City.
Biến đổi như tắc kè hoa
Trong ngày đặc biệt, Guardiola đã cho Man xanh chuyển đổi từ “Pep-ball” sang “Moyes-ball” (David Moyes). Nếu pha lập công của De Bruyne chưa đủ thuyết phục bạn về việc thay hình đổi dạng của Man City, thì họ còn có một trung vệ ghi bàn từ tình huống cố định, đó là John Stones. Thêm một trận đấu nữa, Man City không hề vượt trội so với đối thủ về thời lượng kiểm soát bóng lẫn tổng số đường chuyền, song lại nắm giữ sự áp đảo về… số bàn thắng. Thực tế là ở trận lượt đi gặp Arsenal trên sân Emirates hồi giữa tháng 2, Man City cũng đã sử dụng cách tiếp cận bóng dài tương tự. Thậm chí, The Citizens chỉ cầm bóng vỏn vẹn 36% hôm ấy, con số thấp nhất của họ trong 7 mùa giải Guardiola nắm quyền. Ngoài ra, Man City chỉ thực hiện thành công 72% số đường chuyền – một mức thấp khác trong kỷ nguyên của Pep. Kết quả, Arsenal vượt trội hoàn toàn ở các thông số, song Man City mới là đội giành 3 điểm với thắng lợi 3-1.
Một lần nữa, người hâm mộ lại phải cảm thấy bội phục với khối óc đại tài của Pep. Dưới bàn tay chỉ đạo của ông, Man City biến thành một đội bóng đa nhân cách, luôn có những kịch bản, phương án ứng phó khác nhau cho từng đối thủ. Điều này trái ngược hoàn toàn với Arsenal – đội bóng chỉ trung thành với một lối chơi bóng ngắn. Khi các mắt xích trọng yếu trong lối chơi của Pháo thủ như Odegaard, Bukayo Saka hay Gabriel Martinelli bị phong tỏa, họ ngay lập tức gặp vấn đề. Man City thì không.
Ở chuyến làm khách trước Fulham hôm 30/4, Man City quay lại với lối đá bóng ngắn, kiểm soát quen thuộc. Họ bất ngờ thiếu vắng tiền vệ trụ cột Kevin De Bruyne vì chấn thương, nhưng Guardiola vẫn còn đó Julian Alvarez. Tiền đạo người Argentina đá thay De Bruyne trong vai trò hộ công. Anh di chuyển tự do, liên kết tốt với các đồng đội và tỏa sáng với một siêu phẩm sút xa. Và khi gặp khó ở hiệp 2 trước sự vùng lên mạnh mẽ của Fulham, Man City lại biến đổi thành một tập thể thực dụng. Họ chủ động cầm bóng chắc, sẵn sàng làm mọi chiêu trò để câu giờ bảo vệ thành quả. Trước một đối thủ yếu như Fulham, The Citizens chỉ cầm bóng hơn 50% sau giờ nghỉ giữa hiệp, ngang ngửa đối thủ. Chẳng sao cả, bởi quan trọng Man City đã bỏ túi 3 điểm rời Craven Cottage.