Đón đọc đặc san “30 năm Champions League”
Mùa giải 1992/93, Champions League ra đời từ dư chấn của một thảm hoạ bóng đá, để rồi lột xác trở thành một sân khấu vĩ đại, một đấu trường danh giá, một thương hiệu bóng đá thành công nhất trong lịch sử.
Nhân kỷ niệm 30 năm Champions League, Tạp chí Bóng đá gửi tới độc giả một ấn phẩm đặc biệt với nhiều bài viết đặc sắc, hấp dẫn và độc quyền.
Ngày Mbappe chính thức “quay xe” từ chối Real Madrid hồi năm ngoái, có lẽ anh chẳng bao giờ nghĩ mình phải chịu những đả kích cả trên mạng và trên sân nhiều như thế này? Ở trên mạng xã hội, là những đánh giá về tính chuyên nghiệp, thói hám tiền (đương nhiên, đây chỉ là bề nổi vấn đề ta sẽ nói ở phần sau bài viết). Còn ở trên sân, là hai năm liên tục Mbappe cúi đầu với Real, trong khi tập thể mà anh từ chối giành hết vinh quang này đến vinh quang khác, còn các đối thủ của anh lại tỏa sáng rực rỡ. Về phía Erling Haaland đấy là gì? Sau 41 trận thi đấu, anh ghi 48 bàn thắng.
Dẫn đầu danh sách ghi bàn Premier League với 32 bàn, dẫn đầu danh sách ghi bàn Champions League với 12 bàn. Và cứ mỗi cuối tuần lại nghe báo chí nói về một kỷ lục bị anh phá bỏ. Về phía Vinicius thì sao? Suốt mấy năm qua, hai cái tên Erling Haaland và Kylian Mbappe luôn được xem là hai sao trẻ lớn nhất thế giới, là những người kế thừa Lionel Messi và Cristiano Ronaldo. Thế nhưng không phải Haaland hay Mbappe, mà Vinicius Junior mới là người giành chức vô địch Champions League, là người ghi bàn trong trận chung kết, là ngôi sao trẻ hay nhất của CLB vĩ đại nhất hành tinh Real Madrid. Có nghĩa trong khi Mbappe bị chìm trong bóng tối, thì hai người đối thủ của anh là Haaland và Vinicius lại thay nhau công phá các kỷ lục, tạo nên các điểm nhấn xin nhấn mạnh là ở đấu trường đỉnh cao, và những CLB đỉnh cao, trong những môi trường khốc liệt La Liga, Champions League và Premier League.
Khi Vinicius tỏa sáng và cùng Real Madrid giành chức vô địch Champions League. Đó là lúc người ta nói về một chuyến tàu lỡ của ngôi sao trẻ xuất chúng người Pháp. Người ta tự hỏi, Mbappe ở lại Paris để làm gì? Ngoài việc năm này qua năm khác được lau nước mắt bằng tiền cho những đêm thất bại tại Champions League trong tư thế cúi đầu. Chủ tịch Florentino Perez đã có một giải thích rất sâu sắc “Rất khó để từ chối khi tổng thống gọi điện và khuyên bạn ở lại”. Nhiều người chế nhạo Real Madrid vì để vuột mất Mbappe và chuyển sang tức giận. Nhưng nhìn vào bản chất, ta sẽ thấy đối thủ của Real Madrid không phải PSG, Barca, Man City, hay một CLB hùng mạnh nào khác đang tranh giành Mbappe. Đối thủ của Real Madrid là cả chính phủ Pháp. Bạn nghĩ rằng Perez-Real có cơ hội thắng?
Tuy nhiên chính ở đây đã phản ánh nỗi buồn sâu sắc của Mbappe mà chính chúng ta phải thông cảm. Đúng là Madridistas có thể tức giận chàng trai trẻ này vì thái độ “quay xe”, nhưng có lẽ Mbappe cũng khổ tâm rất nhiều. Anh bây giờ tựa như Pele vậy, có nghĩa là một bảo vật quốc gia không thể ra khỏi biên giới. Có thể ví Mbappe là chú chim trong lồng son, giờ đang nhìn Haaland và Vinicius như cánh chim tự do bay trên trời.
Real Madrid-Man City là cuộc gặp thượng đỉnh châu Âu với hai ngôi sao trẻ đương thời, trong sự ngẩn ngơ của một sao trẻ xuất chúng khác đang lặng nhìn từ Paris.