Đón đọc đặc san “30 năm Champions League”
Mùa giải 1992/93, Champions League ra đời từ dư chấn của một thảm hoạ bóng đá, để rồi lột xác trở thành một sân khấu vĩ đại, một đấu trường danh giá, một thương hiệu bóng đá thành công nhất trong lịch sử.
Nhân kỷ niệm 30 năm Champions League, Tạp chí Bóng đá gửi tới độc giả một ấn phẩm đặc biệt với nhiều bài viết đặc sắc, hấp dẫn và độc quyền.
Trong hai cuộc đối đầu sinh tử với Man City tại tứ kết Champions League, Bayern đã không phản ứng được gì – ở tứ kết lượt đi thua 0-3 trước Man City, hoặc phản ứng chậm – ở tứ kết lượt về ghi bàn danh dự lúc cuối trận. Không ít các CĐV Bayern thầm ước rằng, giá như người ngồi trên băng ghế chỉ đạo vẫn là Julian Nagelsmann chứ không phải Thomas Tuchel, thì có khi mọi chuyện đã khác.
Bởi dù sao, Nagelsmann vẫn là người hiểu Bayern hơn sau gần 2 mùa giải gắn bó. Nhờ vậy, nhà cầm quân 35 tuổi có thể sẽ nhạy bén hơn trong chiến thuật, điều chỉnh nhân sự kịp thời để Bayern thích ứng với những tình huống trên sân. Ở trận lượt đi chẳng hạn. Thay vì dùng số 9 ảo như Tuchel, nhiều khả năng Nagelsmann sẽ bố trí Sadio Mane đá trung phong thay cho Choupo-Moting chấn thương, để Thomas Mueller dày dạn kinh nghiệm trận mạc đá số 10 thay cho Jamal Musiala còn non nớt.
Hay trong trận lượt về rạng sáng nay (20/4), khi nhận thấy Alphonso Davies và Dayot Upamecano có những vấn đề trong phòng ngự, Tuchel cần điều chỉnh kịp thời để hàng thủ bớt luống cuống và rối trí hơn. Đằng này, cựu HLV Chelsea và PSG vẫn không có phản ứng gì, để đội nhà chơi như “gà mắc tóc”, liên tục chuyền về cho thủ môn Yann Sommer, và không ít lần khiến các CĐV nhà thót tim.
Bayern chỉ thắng 2 trong 6 trận gần nhất dưới thời tân HLV Tuchel. Trong đó chỉ có 1 lần giữ sạch lưới, 1 trận thắng tưng bừng 4-2 trước Dortmund trong ngày Tuchel ra mắt. 4 trận còn lại chứng tỏ Hùm xám đã bị bẻ gãy hết “nanh vuốt” khi không thể ghi bàn và cũng không thể giữ sạch lưới.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Trước một Man City đang tiệm cận tới một cỗ máy hoàn hảo, ngay cả khi Bayern còn Nagelsmann thì cũng khó mà chống đỡ nổi. Hơn nữa, đội hình Hùm xám lúc này không có nhân tố nổi bật nào, trong khi lại thiếu một trung phong đích thực. Ngay cả khi Choupo-Moting có thể ghi bàn nhưng tiền đạo người Cameroon vẫn không thuộc dạng 1 thay 1 cho Robert Leweandowski được.
Nên Nagelsmann giúp Bayern đến thời điểm loại PSG ở vòng 1/8 là quá xuất sắc rồi. Mặt khác, lối đá của Tuchel phải trải qua 4, 5 trận mới khởi sắc được. Đằng này, vừa trong giai đoạn làm quen, thày trò mới còn đang tìm hiểu nhau thì đã phải đối đầu với Man City của Pep rồi. Quá khó cho Tuchel. Có lẽ, những người yêu mến Bayern phải đợi đến phiên chợ Hè. Khi ấy, Tuchel sẽ được mua cầu thủ theo ý mình để sắp xếp đội hình và hy vọng mùa sau mới có thể “ngon” được.
Trên thực tế, những đội bóng từng qua tay Tuchel đều tỏa sáng với lối chơi kiểm soát, pressing “một chín một mười” với những đối thủ ưa kiểm soát, giống như thời ông còn dẫn dắt Chelsea. Kể cả lúc mới tiếp quản, The Blues của Tuchel vẫn có thể chơi pressing tầm cao ngang cơ với Liverpool hay Man City – những đội bóng đã được xây dựng gần nửa thập kỷ cùng với hai chiến lược gia hàng đầu thế giới, Juergen Klopp và Pep.
Với việc bị cầm hòa 1-1 trên sân nhà ở lượt về trước Man City, Tuchel trở thành HLV thứ hai trong lịch sử Bayern không thắng ở 2 trận đầu tiên tại các cúp châu Âu. Trước đó, ở mùa 1998/99, Ottmar Hitzfeld cũng có thành tích tệ như Tuchel. CĐV Bayern đang rất phẫn nộ với pha thay HLV “đi vào lòng đất” của BLĐ và đã bắt đầu xuất hiện làn sóng đòi sa thải Kahn với hashtag #KahnOut.
Nhưng rõ ràng, Tuchel cần thêm thời gian để ổn định lại Bayern. Một người cá tính và tài năng như Tuchel hiểu sẽ phải làm gì để đưa Hùm xám trở lại quỹ đạo chiến thắng. Trước mắt Bayern là 6 trận còn lại ở Bundesliga.
Vì thế, có thể tạm kết rằng, Tuchel đến Bayern là đúng người nhưng không đúng thời điểm. Và tất nhiên, Oliver Kahn, Hasan Salihamidzic cùng các cộng sự sẽ phải chịu trách nhiệm cao nhất về màn “thay tướng giữa dòng” này.