Thực ra đây là câu hỏi quan trọng nhất trong vụ này. Nếu Barca bị chứng minh là đã dùng tiền để mua chuộc trọng tài, qua đó được hưởng lợi suốt một thời gian dài, đây sẽ là scandal gây chấn động nhất trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha. Một vụ Totonero hay Calciopoli phiên bản Iberia. Khi ấy, không chỉ Barca chịu ảnh hưởng, mà nhiều cầu thủ/cựu cầu thủ và HLV/cựu HLV của họ cũng sẽ bị liên đới.
Văn phòng Công tố yêu cầu Barca phải cung cấp cho họ những tài liệu này để phục vụ điều tra, nhưng phía đội chủ sân Camp Nou từ chối đáp ứng với lý do họ không thể tìm ra chúng. Tuy nhiên, những báo cáo của con trai trọng tài Enríquez Negreira, ông Javier Negreira, lại xuất hiện trong hồ sơ. Javier là người điều hành DASNIL 95, công ty đứng ra nhận những khoản thanh toán từ Barca.
Theo các báo cáo, trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ chủ tịch đầu tiên của Joan Laporta, tức là 2004, Barca đã chuyển 67.625 euro cho công ty do con trai của Enriquez Negreira quản lý. Nhưng trong năm cuối cùng (cũng của nhiệm kỳ đầu tiên), số tiền mà họ phải chi ra lên tới 364.954 euro. Lần này tiền được chuyển cho một công ty của chính Enriquez, nhưng câu hỏi là tại sao số tiền lại tăng lên chóng mặt như thế?
Thực ra thì đây là câu hỏi mà chính Negreira đã đưa ra câu trả lời rồi. Vị cựu phó chủ tịch của Hội đồng trọng tài Tây Ban Nha không báo cáo trực tiếp với Barca bằng văn bản. Tất cả mọi giao tiếp, nếu có, giữa Negreira với Barca đều là những cuộc nói chuyện thông thường không được ghi lại.
Thực ra Laporta không phải là người bắt đầu câu chuyện. Barca bắt đầu mua thông tin từ trọng tài Negreira từ thời chủ tịch cũ là Gaspart, cụ thể hơn là từ năm 2001. Tuy nhiên, điều khiến người ta thắc mắc là vì sao Laporta, dù rất ghét Gaspart và bộ máy của ông ta, lại chấp nhận tiếp nối “di sản” là mối quan hệ với Enriquez Negreira. Gaspart đã nói gì để thuyết phục Laporta, hay bản thân Laporta thấy việc duy trì làm ăn với bố con Negreira là cần thiết. Điều này thực chất đã xảy ra một lần nữa sau khi, khi Sandro Rosell rồi Josep Bartomeu lên làm chủ tịch của CLB.
Nếu Barca vốn đã có quan hệ mật thiết với bố con nhà Negreira, thì tại sao họ lại phải làm việc qua một đơn vị trung gian, mà ở đây là một công ty thuộc quyền quản lý của Josep Contreras. Ông Contreras vốn là một quan chức của cả Liên đoàn bóng đá Catalunya lẫn của chính Barca, có lẽ nhờ thế mà ông ta có thể tiếp cận với Negreira và thay mặt Barca đưa ra đề nghị. Nhưng con số 50% – số tiền Barca chi ra chảy vào túi của Contreras – được đánh giá là cao một cách bất thường. Vấn đề là ai sẽ trả lời câu hỏi này khi chính Contreras đã không còn trên đời từ tháng 12 năm ngoái.
Theo điều tra, Enríquez Negreira đã rút ra phần lớn số tiền ông ta nhận được từ Barca, bằng tiền mặt hoặc bằng séc. Tuy nhiên, phía tòa án vẫn chưa điều tra ra được ông ta tiêu số tiền này vào những việc gì. Tương tự, tòa cũng đang cố gắng điều tra xem số tiền mà Contreras giữ lại thay vì chuyển hết cho Javier Enriquez giờ đang ở đâu, và nếu đã được chi tiêu rồi thì vào những việc gì, cho những ai?
Trong 18 năm, từ năm 2001 tới năm 2018, Barca đã trả cho các bên liên quan số tiền lên tới hơn 7 triệu euro. Tuy nhiên, phần lớn các nhân viên cũng như tất cả các thành viên trong ban huấn luyện cũng như các cầu thủ đều không hề biết gì về những khoản chi này. Bí mật này chỉ có các chủ tịch và một vài quan chức cấp rất cao được biết.
Theo El Mundo, tất cả những khoản chi từ Barca cho công ty DASNIL 95 của Javier Negreira đều được đưa vào mục Chi tiêu Thể chế, thay vì mục chi tiêu cho thể thao. Đôi khi các khoản chi này được liệt kê dưới dạng những món quà tặng, ví dụ như đồng hồ.
Rõ ràng nếu chỉ để nhận lại các biên bản, báo cáo mang tính chuyên môn đơn thuần liên quan tới công tác trọng tài, thì số tiền mà Barca phải chi ra trong 18 năm qua, tới 7,5 triệu euro, là quá nhiều. Tính ra mỗi mùa họ phải bỏ ra tới 900.000 euro. Điều đáng nói là những báo cáo kiểu như thế thực ra ở các CLB đều đã có những nhân viên nhận lương cứng phụ trách, và tất nhiên số tiền lương họ nhận được không bao giờ lên tới cả triệu euro mỗi năm như vậy.