Đón đọc đặc san “30 năm Champions League”
Mùa giải 1992/93, Champions League ra đời từ dư chấn của một thảm hoạ bóng đá, để rồi lột xác trở thành một sân khấu vĩ đại, một đấu trường danh giá, một thương hiệu bóng đá thành công nhất trong lịch sử.
Nhân kỷ niệm 30 năm Champions League, Tạp chí Bóng đá gửi tới độc giả một ấn phẩm đặc biệt với nhiều bài viết đặc sắc, hấp dẫn và độc quyền.
Năm 2021, Thomas Tuchel thay Frank Lampard và đưa Chelsea đến danh hiệu Champions League lần thứ 2 trong lịch sử đội bóng. Chưa kể vài sự kiện lẻ tẻ đều thành công như việc Guus Hiddink lên thay Luiz Felipe Scolari năm 2009.
Nhưng tất cả đã sụp đổ trong mùa giải 2022/23. Hai lần thay tướng trong một mùa, nhưng kết quả thì “phú quý giật lùi”. HLV Graham Potter trở thành thảm hoạ sau khi thay Thomas Tuchel, và Frank Lampard thay thế Graham Potter để trình diện thêm 2 trận thua. Trận thua trước Wolverhampton, Chelsea rơi xuống vị trí thứ 11 trên BXH Premier League, còn trận thua toàn diện trước Real Madrid rạng sáng qua đưa khả năng Chelsea trắng tay trên mọi mặt trận đã rõ ràng. Đó là thất bại đúng như báo từ trước, dù theo “tâm linh” trước đó, người ta sẽ nói Lampard rồi sẽ như Avram Grant hay Di Matteo.
Vậy vì sao cùng một hành động mà kết quả lại khác nhau như thế?
Bởi vì Chelsea vừa mất đi một “văn hoá doanh nghiệp” đặc biệt chỉ riêng triều đại Roman Abramovich mới có. Roman Abramovich – con người trở thành tỷ phú sau sự sụp đổ chính trị của Liên Xô, vẫn thoát hiểm ngoạn mục và dành được niềm tin của tổng thống Putin sau chiến dịch đánh các nhà tài phiệt, và đồng thời cũng phải ra đi trong buồn bã vì cuộc chiến Ukraine. Con người của ông phản ánh văn hoá Chelsea: thay đổi, thay đổi, và thay đổi để thành công. Đồng thời truyền đạt tinh thần rắn rỏi, nghiêm khắc và nguyên tắc vào trong CLB.
Một câu chuyện nhỏ diễn ra cách đây 18 năm, đó là cuộc chiến với G14 khi Abramovich vừa đến. Ngày đó, G14 biểu tượng cho nhóm các CLB cây đa cây đề với lịch sử truyền thống và cả sức mạnh như Real, Barca, Juve, Milan… Còn Chelsea là biểu tượng cho CLB mới nổi trong thời kỳ khai phá của các ông chủ ngoại. Peter Kenyon, giám đốc điều hành Chelsea đã tâm sự với phóng viên tờ The Times rằng: “Các thành viên của G14 dường như đã lập hẳn một âm mưu chống lại Chelsea. Họ làm mọi cách để ngăn cản chúng tôi giành chiến thắng”, đấy là những gì mà Chelsea đã phải đương đầu. Nhưng Chelsea đã chiến thắng bằng sự ngạo nghễ của Mourinho, bằng âm mưu tài trí của Kenyon, và bằng “văn hoá” Nga của Abramovich.
Chelsea là đội bóng đặc biệt mà khi bước chân ra Champions League thì nhanh chóng “hội nhập và phát triển”. Chelsea ăn đứt những Arsenal cùng thời kỳ hay PSG, Manchester City của hôm nay. Chelsea giàu bản lĩnh, đầy lỳ lợm, và những con người như Lampard, Terry, Cech, Drogba, Ballack…đều là biểu tượng của những người đàn ông đá bóng: lầm lì, mãnh liệt, và không nói nhiều.
Nhưng ngày hôm nay, Chelsea ấy đã mất đi, chỉ còn lại một Chelsea èo uột và dễ tổn thương. Chelsea không còn niềm tin vào chính mình. Ông chủ mới Todd Boehly đã dùng lại “bài” của Abramovich là thay tướng giữa dòng, nhưng ông trước đó đã sa thải cả bộ sậu rồi mà, và văn hoá Mỹ ông truyền đạt đâu hợp lý với cách làm việc ấy.
Chelsea không còn là Chelsea nữa. Văn hoá đã khác, cách làm cũng phải khác.