Lò đào tạo cầu thủ trẻ của Chelsea không nổi danh như Arsenal, Man United hay Man City, nhưng họ lại kiếm nhiều tiền nhất nhờ bán cầu thủ trong những năm gần đây. Tài thao lược của BLĐ với những thương vụ “rẻ mà tốt” từ những CLB nhỏ đã giúp họ tự đứng trên đôi vai dù thực tế, Abramovich vẫn đứng sau và luôn sẵn sàng chi tiền.
Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh 2021/2022
Bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2021/2022
Lịch trực tiếp Ngoại hạng Anh mới nhất
Chelse thu nhiều hơn chi
Chelsea bây giờ không còn là đội bóng sống dựa vào túi tiền không đáy của chủ tịch Roman Abramovich nữa. Sẽ không bao giờ có chuyện vị tỷ phú dầu mỏ người Do Thái viết một tấm séc 50 triệu bảng Anh cho CLB mua cầu thủ như trường hợp của Fernando Torres ngày nào. Nếu The Blues muốn chiêu mộ ngôi sao, họ phải tự tìm cách kiếm tiền và dự trù ngân sách.
Romelu Lukaku tiêu tốn của Chelsea 97,5 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng mùa hè này. Vậy cán cân thu chi của The Blues ra sao sau thương vụ Lukaku? Đáp án thật bất ngờ: Họ đang lãi 44,4 triệu bảng. Số tiền Chelsea bỏ ra mua Lukaku còn thấp hơn nguồn thu từ việc bán 4 cầu thủ Fikayo Tomori (25 triệu), Marc Guehi (20 triệu), Tammy Abraham (35 triệu) và Kurt Zouma (30 triệu).
Con số dương 44,4 triệu bảng trên cán cân thanh toán của Chelsea là lý do giúp họ có thêm tự tin trong việc mua Jules Kounde từ Sevilla. Bất chấp việc CLB Tây Ban Nha liên tục hét giá, The Blues vẫn có đủ ngân sách để ngồi vào bàn đàm phán. Chelsea có thể chi tiền nhiều hơn bất cứ CLB nào trên thị trường chuyển nhượng, nhưng bù lại, họ cũng là đội bóng thu về nhiều tiền nhất.
Cách kiếm tiền nhờ mua bán cầu thủ là hướng đi bất thường ở một đội bóng lớn như Chelsea. Không có đại gia nào kiếm tiền trên thị trường chuyển nhượng theo cách họ đã làm. Đáng chú ý hơn là trong đội hình Chelsea vẫn còn rất nhiều cầu thủ không chen chân được vào đội 1 nhưng đủ sức thi đấu ở bất kỳ CLB nào khác như Tiemoue Bakayoko, Ross Barkley hay Baba Rahman.
Người đứng sau đường lối “đại gia kiếm tiền nhờ bán cầu thủ” của Chelsea không ai khác ngoài nữ giám đốc Marina Granovskaia. Người phụ nữ quyền lực này đưa ra một công thức vô cùng đơn giản cho lối kiếm tiền ở CLB.
Chelsea mua nhiều còn hơn bỏ sót, thu nhận mọi tài năng về đội rồi đem họ cho mượn khắp nơi. Những ai không đủ trình độ cạnh tranh ở đội 1 luôn phải chịu kiếp cho mượn nhiều năm trời trước khi tìm được đội bóng mới.
Càng giàu, Chelsea càng căn cơ
Cách làm bóng đá kiểu tuyệt tình của Marina Granovskaia khiến nhiều cầu thủ cảm thấy bất bình. Một trong số đó là Marco Van Ginkel, tài năng trẻ một thời của bóng đá Hà Lan. Anh có 8 năm khoác áo Chelsea nhưng 6 năm trong số đó bị đem cho những đội khác mượn. Phải đến tận mùa hè năm nay, Van Ginkel mới thoát kiếp cho mượn khi được Chelsea thanh lý hợp đồng.
Một cầu thủ khác phải chịu kiếp lang bạt ở Chelsea suốt gần 1 thập niên là tiền đạo Lucas Piazon. Cầu thủ người Brazil thuộc biên chế Chelsea 9 năm, nhưng chưa có mùa giải nào được tập luyện trọn vẹn ở CLB. Anh bị đem cho mượn tổng cộng 7 lần và mới chính thức là người của Braga hồi tháng 1/2021. Việc biến cầu thủ thành kẻ lang bạt nay đây mai đó đem lại nguồn thu lớn cho Chelsea từ phí cho mượn.
Bên cạnh danh sách biên chế đội một khoảng 25 người, Chelsea có 25-30 cầu thủ khác được đem đi cho mượn thường xuyên. Việc này cho thấy một chính sách khác trong xu hướng kiếm tiền từ cầu thủ của The Blues dưới thời Marina Granovskaia: Một xư cũng không bỏ. Người hiểu nhất việc này có lẽ là Giroud. Anh mới được gia hạn hợp đồng hồi tháng 4 rồi bị bán với giá 2 triệu bảng.
Với Granovskaia, tiền là thước đo của thành công. Không có cầu thủ nào được ra đi với giá 0 đồng. Chừng nào họ còn giá trị, Chelsea sẽ còn giữ chân, “đày đọa” họ cho đến khi kiếm được lãi. Abramovich không phàn nàn gì về chuyện này cả. Chelsea nhờ đó vẫn sống khỏe mà không cần tiền viện trợ từ ông, lại có thể vô địch Champions League và mua thêm cầu thủ lớn.