Thuật ngữ “đòn bẩy kinh tế” (palanca) mà Barca thường sử dụng trong thời gian gần đây có thể hiểu nôm na là… bán tài sản để trả nợ và trang trải. Đó là các biện pháp đã được thông qua trong phiên đại hội bất thường diễn ngày 16/06. Mục đích của chúng là đưa Barca thoát khỏi cảnh thua lỗ và nợ nần, đồng thời giúp CLB đáp ứng những quy định về công bằng tài chính của BTC La Liga (LaLiga).
Đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Bởi tình hình tài chính của đội bóng xứ Catalunya đang thực sự bết bát. Ngoài khoản nợ hơn 1,3 tỷ euro, quỹ lương của Barca cũng phình ra đến hơn 500 triệu euro, vượt 144 triệu euro so với hạn mức mà LaLiga dành cho họ. Vì thế, công việc của ban lãnh đạo chính là tìm kiếm nguồn thu và giảm bớt quỹ lương.
Barca đã làm được điều này bằng cách cực kỳ đơn giản: bán bớt tài sản của CLB. Những “đòn bẩy kinh tế” mà họ liên tục nhắc đến thực chất là việc lần lượt bán 10% và 15% bản quyền truyền hình của Barca trong 25 năm tới cho công ty Sixth Street, hay bán 24,5% quyền sở hữu công ty con Barca Studios cho đối tác Socios.com. Và theo tuyên bố của chủ tịch Joan Laporta, ba “gói kích cầu” này đã giúp Barca thu về 767 triệu euro.
Nhờ liều doping tài chính ấy, Barca đã bất ngờ trở thành hiện tượng trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè này. Họ thậm chí còn là đội chi nhiều nhất với 153 triệu euro cho Raphinha, Jules Kounde và Robert Lewandowski. Đó là chưa kể, trước đó người Catalunya đã đón Andreas Christensen và Franck Kessie về theo dạng chuyển nhượng tự do, đồng thời gia hạn hợp đồng với Ousmane Dembele và Sergi Roberto.
Nếu chỉ nhìn qua, cuộc sống có vẻ như đang hồi sinh tại sân Camp Nou. Tuy nhiên, theo đài phát thanh Cadena Cope thì Barca vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi vòng kim cô tài chính. Đài Cope thậm chí còn khẳng định là kể cả kích hoạt “đòn bẩy kinh tế” thứ 4 và có thêm 100 triệu euro, đội bóng xứ Catalunya vẫn chưa đủ điều kiện để đăng ký 5 tân binh và 2 cầu thủ vừa gia hạn.
Vấn đề phát sinh trong thỏa thuận về bản quyền truyền hình giữa họ với Sixth Street. Theo đó, công ty đầu tư của Mỹ thực chất không trả tới 667 triệu euro cho Barca. Thay vào đó, hai bên đã lập một công ty liên doanh có tên là Logksley Investments S.L để quản lý bản quyền truyền hình vĩnh viễn của đội chủ sân Camp Nou với số vốn 50-50.
Sixth Street thực tế chỉ bỏ 517 triệu euro để mua 25% bản quyền truyền hình của Barca trong 25 năm tới. Số tiền 150 triệu euro còn lại do Barca góp vốn, để mua bản quyền truyền hình của… chính mình từ năm thứ 26 trở về sau. Tất nhiên, con số 150 triệu euro này không được tính là “doanh thu” vì nó là tiền của chính họ.
Bằng một cách nào đó, thỏa thuận này vẫn qua được cửa kiểm toán. Nhưng LaLiga thì không chấp nhận kiểu “mỡ nó rán nó”, và coi khoản 150 triệu euro này là “không hợp lệ”. Vì thế, dù có kích hoạt “palanca” thứ 4 thì Barca vẫn phải tìm cách kiếm thêm hoặc tiết kiệm 20-30 triệu euro. Và đó cũng là lý do họ vẫn ráo riết tìm bến đỗ mới cho Memphis Depay và Frenkie de Jong.
4 “đòn bẩy kinh tế” của Barca
- Ngày 30/06: Barca khởi động “đòn bẩy kinh tế” (palanca) đầu tiên khi bán 10% bản quyền truyền hình trong 25 năm cho công ty Sixth Street với giá 267 triệu euro.
- Ngày 01/07: Chỉ 1 ngày sau, đội bóng xứ Catalunya quyết định bán thêm 15% bản quyền truyền hình trong 25 năm, vẫn cho Sixth Street để thu về 400 triệu euro.
- Ngày 01/08: “Gói cứu trợ” thứ 3 được kích hoạt, khi Barca bán 24,5% quyền sử hữu Barca Studios cho Socios.com, công ty sáng lập các đồng tiền ảo và NFT với giá 100 triệu euro.
- Ngày 03/08: Barca thông qua kế hoạch “đòn bẩy” thứ 4, cân nhắc bán thêm 24,5% quyền sở hữu Barca Studios cho Socios.com, Ownix hoặc một công ty giấu tên cũng với giá 100 triệu euro.