CR7 vs M10, sẽ rất khó và gần như không thể minh định ai giỏi hơn ai trên sân cỏ. Nhưng theo quan điểm cá nhân, vụ chuyển nhượng giật gân hôm qua của Ronaldo về Man United một lần nữa chứng minh CR7 nhỉnh hơn M10 về nhãn quan quản trị thương hiệu và hình ảnh (thương mại) cá nhân.
Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh 2021/2022
Bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2021/2022
Cristiano luôn biết cách cất tiếng gáy, tạo buzz hiệu quả cao nhất, đúng thời điểm nhất. Anh chủ động tạo ra ồn ào chứ ko bị đặt vào tình huống ồn ào và thiếu dứt khoát dẫn đến cảnh muốn đi thì phải ở mà lúc muốn ở lại phải ra đi như Messi. Khả năng ra quyết định của Ronaldo gồm chọn thời điểm ra đi, chọn cách ra đi, và chọn nơi đến đều chuẩn mực. Quyết định chuẩn chỉnh tạo ra hiệu ứng tối ưu một cách chủ động, thoả mãn cả chuyên môn, hình ảnh, thương mại, cảm xúc người hâm mộ. Màn trở về Old Trafford là một show không thể tuyệt vời hơn cho minh tinh bóng đá Ronaldo giai đoạn này cũng như khơi gợi lại ký ức, tình yêu, tình cảm của mọi fan Quỷ đỏ.
Phải nói rằng, khi Messi về PSG cũng đã tạo ra một quả bom chuyển nhượng (ở thời điểm đó). Nhiều bài phân tích các chỉ số gây chú ý như social listening, lượng người tham dự ra mắt CLB, doanh số bán áo… đã cho thấy thành công ban đầu của cả M10 và PSG. Tuy nhiên, nó cũng chỉ như “sao băng”, bùng lên rồi chìm xuống rất nhanh.
Còn với Ronaldo và MU, chỉ vài ngày nữa thôi, khi bản hit Manchestiano được debut, các bộ đo đếm sẽ chạm các kỷ lục mới. Chắc chắn lượt người xem CR7 ra sân với sức cộng hưởng từ MU và Ngoại hạng Anh sẽ cao hơn nhiều lần với Messi ở Ligue1 cho dù PSG có cả Neymar, Ramos hay Mbappe. Với PSG thì chỉ có Champions League mới tạo ra giá trị đột phá cho Messi còn mức độ thương mại lẫn lượng người xem thì như content hay đặt lên nền tảng yếu vậy. Còn Ronaldo trở lại MU, anh như người khổng lồ đứng trên vai một người khổng lồ nữa vậy!
Nếu Messi bị động trong cả lần suýt rời và lần đã rời Barca, mang lượng fan lớn đến cho PSG và nhận lại một tổn thương to đùng trong tim anh cũng như bị hàng triệu cule quay lưng thì Ronaldo được tất cả. Ronaldo chủ động trong việc quyết định rời Juventus, là nhân vật chính trong màn đến cổng Man City tắt máy xuống xe dẫn bộ quay đầu nổ máy lao thẳng vào cánh cổng Old Trafford đã mở sẵn. Một kịch bản khớp đến từng frame cắt dựng, nhịp nhàng đến từng chuyển động.
Và nếu như Messi gia nhập một rừng sao (không phải ai cũng chào đón) với nhiều cái tôi, nhiều lão tướng, trong một phòng thay đồ mà tiếng nói của HLV không phải cao nhất, đôi khi còn bị chi phối với những quyết định chính trị thì Ronaldo đơn giản là trở về nhà, nơi anh là một huyền thoại. Ronaldo có một HLV từng là đồng đội của mình, có các đồng đội mới là bạn, là em và là fan của chính anh. Ronaldo còn được hậu thuẫn bởi tượng đài Alex Ferguson, người đã gọi cú điện thoại quyết định để xúc tiến thương vụ chớp nhoáng chỉ trong vài giờ. Tôi tin là Ronaldo hiểu được vị thế, biết rõ giá trị bản thân và anh sẽ lập tức thích nghi “hệ chính trị” với những ngôi sao hiện tại và tương lai của Old Trafford.
Riêng về hình ảnh thương mại, M10 dường như tạo thêm giá trị cho PSG hơn là chiều ngược lại. Còn CR7 và MU, cả hai đều hiểu quá rõ về sức mạnh cộng đồng của nhau và cùng hướng đến khai thác giá trị cộng hưởng ấy. MU+CR7, nó chắc chắn là phép cộng khổng lồ mà ít cặp đôi thương hiệu nào có thể lớn hơn ở thời điểm hiện tại. Có Messi, PSG có một ngôi sao lớn trên sân cỏ. Nhưng có Ronaldo, MU có 2 ngôi sao lớn, cộng hưởng cả trên sân cỏ và trên thương trường!
Và đó cũng là lí do, dù rất thích xem Messi trên sân nhưng với Ronaldo thì cá nhân tôi (và không ít người khác) vừa thích xem anh ta chơi bóng vừa thích thưởng thức brand story xuất sắc mà CR7 tạo ra bên ngoài sân cỏ.
Chúc mừng MU và Ronaldo, một cái twist hay cho một cái kết có nhiều triển vọng. Rất nhiều cơ sở để kì vọng sau đây CR7 sẽ cùng MU làm nên một cái gì đó ở Old Trafford chứ không chỉ là đá bóng dưỡng già ở mấy giải đấu ngoài châu Âu.