Một năm rực rỡ, một năm nhiều nụ cười
Năm 2022 là một năm thành công rực rỡ với CLB Sahaco khi họ phá vỡ sự thống trị của Thái Sơn Nam bằng chức vô địch futsal QG. Đội bóng của HLV Nguyễn Tuấn Anh áp đảo trong trong cuộc bầu chọn danh hiệu với việc Khổng Đình Hùng giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất, Mai Xuân Hiệp được xướng tên ở hạng mục Thủ môn xuất sắc nhất. Và Lâm Tân Phát chia sẻ danh hiệu Vua phá lưới cùng với Nguyễn Trần Duy của Sài Gòn FC.
Cuộc chạy đua giành danh hiệu Vua phá lưới năm 2022, thực sự giống như một bộ phim “bom tấn”. Sự khác biệt nằm ở chỗ, nếu Trần Duy là một pivo (tiền đạo) thì Tấn Phát là một ala (chạy cánh). Cuối cùng, cả hai cùng về đích với 10 bàn thắng. Sự bùng nổ của Tấn Phát ở vài vòng cuối cũng đã đưa anh vào danh sách chạy đua tới danh hiệu Quả Bóng vàng futsal Việt Nam năm 2022. Tiếc cho ala này, anh đã không có mặt trong top 3. Không sao, điều quan trọng là Lâm Tấn Phát đã biến giấc mơ trở thành Vua phá lưới thành hiện thực.
Sau cái đêm Gala Quả bóng vàng, Lâm Tấn Phát trở về căn nhà trọ của mình bên quận 4 (TP.HCM). Người đàn ông đã 33 tuổi này quyết không để nỗi buồn xâm chiếm khi ngồi bên người vợ và cô con con gái rượu của mình. Nhìn lại một chặng đường dài, có lẽ Phát cũng chẳng dám mơ một ngày nào đó anh được xướng tên trong ngày hội tôn vinh những người xuất sắc nhất.
Hành trình “500 ngàn” của một gã trai quê
Lâm Tâm Phát là ai? Không phải ai cũng biết về hành trình đến với futsal của cầu thủ người huyện Krông Pắc (Đắk Lắk). Từng là hậu vệ cánh trái số 1 của Đắk Lắk, lúc ấy đang chơi tại giải hạng Nhì quốc gia. Thế rồi sau một cuộc cãi vã toé lửa về chuyên môn, Phát bị HLV đẩy lên khán đài và trở thành một “đời thừa” đúng nghĩa. Lâm Tấn Phát rời quê nhà trong sự thất vọng và anh quyết định vay bạn bè 500 ngàn đồng rồi nhảy xe đò xuống TP.HCM tìm việc làm.
Theo lời giới thiệu của người đồng hương thủ môn Ngô Đình Thuận, lúc này cũng đang chơi futsal, Lâm Tấn Phát xin vào thử việc cho đội sân 11 người của CLB Thái Sơn Nam. Tập chỉ 3 buổi, Phát được gọi lên ký hợp đồng nhưng đơn thuần chỉ là một cầu thủ ăn lương, chứ không phải nhân viên như bao người khác.
Phát đã rời đi, anh trở về với “phủi”, ở nhờ nhà bạn, nay đây mai đó. Rồi một ngày, gã trai lênh đênh ấy quyết định “đầu quân” cho một đội thợ hồ. Anh và những đồng hương sống trong những chiếc lán tạm bợ. Công việc bốc vác, phụ hồ dù mệt như “ổn định” bởi cứ cuối tuần lại có đồng lương đút túi. Được hơn nửa năm, Phát “fuho” quyết định trở về quê đón Tết rồi trở lại Sài Gòn kiếm cơm.
Lâm Tấn Phát cũng bước vào phủi và vẫn làm thêm những nghề khác để kiếm cơm. Anh trở thành một nhân viên kinh doanh cho một “hãng” dầu nhớt. Nói cho sang vậy thôi, chứ thật ra, Phát chỉ là một người bán nhớt hạng 2. Vì sự ngây ngô ấy, Lâm Tấn Phát đã phải trả giá khi anh bị bắt vì tội tiếp tay cho kẻ xấu. Gã trai đến từ Cao Nguyên bắt đầu tập trung chơi “phủi”, gia nhập những đội bóng danh tiếng. Đôi ba lần, đã ở rất gần các CLB chuyên nghiệp nhưng rồi vì những nguyên do khác nhau, anh đành bỏ lỡ.
Vào một ngày đẹp trời năm 2012, khi Phát đang ngồi lơ ngơ trên khán đài xem đồng nghiệp thi đấu, HLV của Thái Sơn Nam – ông Sergio Gargelli tiến lại và nói: “Cậu có muốn về chơi cho Thái Sơn Nam không?”. Lời mời ấy như một món quà từ trên trời rơi xuống và đấy là thời điểm mà Lâm Tấn Phát chính thức “dấn thân” vào futsal.
Thế nhưng, con đường không hề bằng phẳng với Lâm Tấn Phát. Thái Sơn Nam là một đội bóng lớn với rất nhiều ngôi sao lớn cho nên không phải ai cũng vượt qua được những áp lực khủng khiếp ấy. Lâm Tấn Phát được cho mượn để trưởng thành và anh kinh qua đến rất nhiều CLB. Trong thời gian ấy, Phát đi tập ban ngày còn khi màn đêm buông xuống, anh tranh thủ đi giữ xe quán nhậu. Ngày nào rảnh nữa lại theo chân ông anh đi sửa máy lạnh kiếm đồng ra đồng vô trang trải cuộc sống.
Cho đến một ngày được gặp HLV Nguyễn Tuấn Anh, Lâm Tấn Phát mới có một bến đậu chính thức để kết thúc cái sự long đong của mình. Ba năm qua, Lâm Tấn Phát trở thành một mắt xích không thể thiếu trong sơ đồ của Sahako. Và đỉnh cao của đội bóng này chính là giành chức vô địch QG năm 2022. Phần thưởng cho nỗ lực không ngừng nghỉ ấy của Lâm Tấn Phát là một chỗ trong đội hình ĐTQG. Tiếc cho ala này, anh vẫn chưa có duyên và chưa thể trình diễn những gì tốt nhất ở các giải đấu được góp mặt.
Ở tuổi 33, Lâm Tấn Phát không còn trẻ nhưng có thừa ý chí và sự cầu thị. Ở tuổi 33, Lâm Tấn Phát vẫn chưa muốn dừng lại. Anh muốn cống hiến nhiều hơn cho Sahako, cho những người đã chỉ dạy, đã cho cái nghề và đã giúp bản thân bỏ lại những ngày tháng cơ cực đời trai. Sau tất cả, anh muốn futsal đem lại niềm vui và cũng là cuộc sống, là nồi cơm cho gia đình nhỏ của mình, cho đến khi nào đôi chân không còn nghe cái đầu nữa.