Câu chuyện đội bóng 65 năm tuổi Than Quảng Ninh đối diện với nguy cơ giải thể khiến nhiều người cảm thấy đau lòng. Một đội bóng giầu truyền thống, một địa phương giầu có, một đội Hội CĐV văn minh nhất, nhưng lại đối diện với một viễn cảnh thê lương thì thật đáng tiếc.
Câu chuyện đội bóng 65 năm tuổi Than Quảng Ninh đối diện với nguy cơ giải thể khiến nhiều người cảm thấy đau lòng. Một đội bóng giầu truyền thống, một địa phương giầu có, một đội Hội CĐV văn minh nhất, nhưng lại đối diện với một viễn cảnh thê lương thì thật đáng tiếc.
Câu chuyện về khó khăn của Than Quảng Ninh giờ không còn mới nữa. Những lời kêu cứu đã được gửi đến các cấp lãnh đạo hơn một năm qua. Thậm chí, đã có cả những cảnh báo tiêu cực nhưng rút cuộc, bóng đá đất Mỏ vẫn không thể tìm cho mình một lời giải cho bài toán về tài chính. Khi dòng tiền từ đối tác lớn nhất là Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam không còn chảy, các doanh nghiệp lớn không chung tay thì một mình bầu Hùng không thể lo cho đội bóng, Những khoản nợ cứ dài trong sự mòn mỏi của các thành viên đội bóng. Và ngay cả khi các cầu thủ thể hiện sự chuyên nghiệp nhất, các CĐV cho thấy mình văn minh nhất thì câu chuyện ở tầm vĩ mô cũng không thay đổi.
Và thế là một đội bóng từng vô địch Cúp QG, giành HCĐ V.League 2019 sau hàng chục năm chờ đợi nhưng rút cuộc vẫn lâm vào bi kịch không có lối thoát. Tiền, vấn đề lớn nhất là tiền đối với Than Quảng Ninh đã không thể giải. Bầu Hùng sau những lá đơn tha thiết gửi các cấp lãnh đạo cuối cùng đã phải lựa chọn phương án không mong muốn là trả lại đội bóng, dừng hoạt động công ty với khoản nợ không lồ đến nay chưa có lời đáp.
Câu hỏi là còn cơ hội nào cho Than Quảng Ninh không? Một đội bóng giầu truyền thống như vậy có đáng bị giải thể? Một sân vận động mới xây hàng với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Một hệ thống đào tạo bài bản, từng tuyến dần cho thấy đầu ra. Và quan trọng hơn, Quảng Ninh có quá nhiều điều kiện để phát triển bóng đá từ điều kiện vật chất đến sự tâm mê của cộng đồng.
Cái thiếu của Than Quảng Ninh lúc này chính là tâm nhìn, chiến lược vì bóng đá. Họ cũng thiếu một nhân vật có thể cố kết các nguồn lực để giúp đội bóng có được nền tảng tài chính vững chắc. Thế nên, chỉ cần khai thông được cơ chế, đặt đúng người, đúng vị trí thì tin chắc rằng bóng đá Quảng Ninh sẽ trở lại. Hãy nhìn sang Hải Phòng, dù thành tích của đội bóng bết bát nhưng một năm lãnh đạo thành phố vẫn bơm đều đặn 40 tỷ đồng. Con số này tăng thêm 10 tỷ khi ông Văn Trần Hoàn nắm đội bóng. Có nguồn vốn mồi, các doanh nghiệp sẽ hào hứng đầu tư vào bóng đá bởi khi ấy, họ không quá cảm thấy gánh nặng về tài chính.
Than Quảng Ninh: cứu hay không cứu? Có thể cứu mà không cứu đó là một điều đáng tiếc. Khi quả bóng trách nhiệm cứ được đá từ chỗ này sang chỗ khác thì tương lai của đội bóng sẽ bị ảnh hưởng. Nên nhớ rằng sắp đến ngày khai giảng các cầu thủ trẻ cần sự đảm bảo để trở lại trường. Các bậc phụ huy cũng không thể tin tưởng giao phó con em cho Than Quảng Ninh nếu họ không nhìn thấy tương lai của một CLB chuyên nghiệp.
Và còn rất nhiều việc phải làm đối với Than Quảng Ninh. Nếu không sớm được chuyển giao cho một đơn vị đủ lực cùng một cơ chế đủ sự thông thoáng thì Than Quảng Ninh khó bề tồn tại. Các cầu thủ cần sự đảm bảo để gắn bó với đội bóng. Bởi nếu không có con người, không hoàn thành các tiêu chí cấp phép của AFC thì ngay cả khi có tiền thì Than Quảng Ninh cũng không thể trở lại với V.League.
Thế mới nói, lửa đã cháy đến chân thành. Muốn cứu đội bóng thì phải nhanh, dứt khoát nếu không sẽ trở thành quá muộn. Hay nói cách khác, xây dựng đội bóng thì lâu, định vị được thương hiệu thì vô cùng khó nhưng để chấm dứt sứ mệnh của nó thì chỉ cần một cái ngoảnh mặt. Hãy quan tâm đến Than Quảng Ninh trước khi quá muộn, bởi nói cho cùng, bóng đá cũng là một đặc sản, một mũi nhọn của Quảng Ninh bên cạnh du lịch và hầm mỏ.