Vào sáng nay, CLB Than Quảng Ninh đã chính thức tuyên bố dừng hoạt động 1 năm vì khó khăn về mặt tài chính. Vậy câu hỏi được đặt ra là: Tương lai nào dành cho đội bóng đất Mỏ ở mùa giải tiếp theo?
CLB Than Quảng Ninh dừng hoạt động
Như đã đưa tin, vào sáng nay (25/8), CLB Than Quảng Ninh đã thông báo tạm dừng hoạt động 1 năm và đồng thời sẽ thanh lý hợp đồng với các cầu thủ trong đội Một cũng như đội trẻ.
Trong cuộc chia sẻ với báo giới cách đây ít ngày, người đứng đầu CLB Than Quảng Ninh – chủ tịch Phạm Thanh Hùng cũng đã thừa nhận việc CLB đang nợ tiền các cầu thủ lên đến hơn 70 tỷ đồng nhưng không có khả năng thanh toán.
Theo ông Hùng, BLĐ đội bóng cũng đã viết lá đơn kêu cứu gửi lên lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhưng không nhận được hồi âm. Cực chẳng đã, họ đành phải tạm dừng hoạt động của CLB trong vòng một năm để chờ tỉnh Quảng Ninh nhận lại đội bóng. Hiện tại, câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất là Than Quảng Ninh sẽ thế nào nếu dừng hoạt động trong 1 năm?
Những đội bóng ở V.League từng giải thể trong quá khứ
Trong quá khứ, đã có không ít các đội bóng phải giải thể vì những lý do khác nhau. Vào năm 2012, Khánh Hòa cũng đã rơi vào tình trạng giống như Than Quảng Ninh lúc bây giờ đó là thiếu kinh phí hoạt động, dẫn đến việc phải tạm dừng đội bóng. Ngay lập tức, CLB Hải Phòng, đội xếp cuối bảng V.League 2012, đã liên hệ để mua lại suất đá ở giải đấu số 1 Việt Nam của Khánh Hòa. Quá trình chuyển giao diễn ra rất nhanh chóng vì cả 2 đội đều có được thứ mình cần. Khi thủ tục bàn giao được hoàn tất, các cầu thủ Khánh Hòa lập tức trở thành biên chế của CLB Hải Phòng.
Năm 2015, CLB Đồng Nai thi đấu không thành công tại V.League và phải xuống hạng. Tuy nhiên, Đồng Nai quyết định không đá Hạng Nhất mùa tiếp theo mà tuyên bố giải thể. Cái tên Đồng Nai xuất hiện trở lại khi tỉnh nhà đưa đội U19 địa phương lên đá giải Hạng Ba năm 2017.
Cũng trong năm 2015, Ninh Bình khi đang là một thế lực của V.League bất ngờ phải tuyên bố giải thể vì có đến 11 cầu thủ tham gia dàn xếp tỉ số ở đấu trường AFC Cup. Ở thời điểm đó, sân Ninh Bình vừa mới được đầu tư nâng cấp trở thành một trong số những SVĐ “xịn” nhất Việt Nam. Chỉ một thời gian sau, sân đấu này đã bị bỏ hoang, khán đài xuống cấp, cỏ mọc um tùm cho dê, bò thoải mái vào kiếm ăn.
Trước đó 2 năm, CLB Sài Gòn Xuân Thành cũng đã tuyên bố giải thể vì xích mích giữa chủ tịch đội bóng với các quan chức của LĐBĐ Việt Nam (VFF) và CTCP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Kết cuộc, cả hai CLB trên đều đã bị xóa sổ khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam.
Cái kết nào cho Than Quảng Ninh?
Nếu xét theo những trường hợp ở trên, CLB Than Quảng Ninh sẽ rơi vào tình cảnh giống như Khánh Hòa vào năm 2012. Tuy nhiên, trong thời biểu dịch COVID-19 đang tàn phá nặng nề về mặt kinh tế, đấy còn chưa kể, V.League 2021 đã chính thức bị hủy và nhiều khả năng sẽ không có đội xuống hạng, chính vì thế sẽ rất khó để có ông bầu nào mua lại đội bóng đất mỏ.
Còn đối với trường hợp bị giáng xuống thi đấu ở giải hạng Ba, đây được xem là phương án tối ưu nhất vào lúc nào giành cho Than Quảng Ninh. Khi ấy, ngoài các cầu thủ đội Một đi tìm bến đỗ mới. các lứa cầu thủ trẻ sẽ vẫn tiếp tục được thi đấu và đào tạo. Về mặt đào tạo trẻ, Quảng Ninh có nhiều tiếng vang hơn hẳn Đồng Nai khi đưa được rất nhiều cầu thủ trẻ được lên chơi ở V.League và cả U23 lẫn đội tuyển Việt Nam như Vũ Minh Tuấn, Nguyễn Hải Huy, Nguyễn Hai Long… Nếu làm lại từ giải Hạng Ba, Than Quảng Ninh có tiềm năng thăng hạng nhanh chóng và thậm chí có thể một lần nữa trở lại với đấu trường V.League.
Trong trường hợp còn lại, đây sẽ là cái kết đau buồn dành cho các CĐV của Than Quảng Ninh và cả các cầu thủ trong đội. Bởi lẽ, đa phần các cầu thủ vẫn chưa được thanh toán các khoản tiền lương, cũng như tiền thưởng, phí lót tay trong thời gian thi đấu cho đội bóng. Và khi giải thể, các cầu thủ sẽ chẳng còn biết đòi nợ ai.