“Như vậy, Tuấn Anh là cầu thủ phải rời sân để nhường chỗ cho Nguyễn Thanh Nhân. Trận đấu đã bước qua phút bù giờ thứ 2 của trận đấu. HAGL đã gần hơn với chiến thắng khi đang dẫn Thanh Hoá với tỷ số 2-0”, bình luận viên của nhà đài đã bình luận như thế khi Tuấn Anh được rút ra sân ở phút 90+2. Trong khoảnh khắc Tuấn Anh cúi chào khán giả trên sân Pleiku ở vòng 9, chúng tôi cảm thấy trên nét mặt của anh vừa vui, vừa thản nhiên.
Đây đã là trận thứ 2 liên tiếp (trước đó là trận gặp Bình Dương, vòng 8), Tuấn Anh gần như chơi trọn 90 phút. Trước đó nữa Tuấn Anh đá chính 86 phút trong chuyến làm khách trên sân của CLB TP.HCM ở vòng 7. Tuấn Anh góp mặt 72 phút trước Bình Định ở vòng 6. Xa hơn, anh sắm kép chính trong 65 phút khi đối đầu với Viettel (vòng 4) và góp mặt 58 phút trên sân Nam Định (vòng 1). 6/9 trận đá chính ở mùa này với Tuấn Anh đã và đang mang đến sự ngạc nhiên với chính các đồng đội bởi mùa trước, Tuấn Anh xuất hiện trên khán đài nhiều hơn băng ghế dự bị.
Chấn thương trở thành cơn ác mộng của Tuấn Anh. Người ta thống kê rằng, đôi chân của Tuấn Anh phải “cõng” đến 14 chấn thương khác nhau. Đã có những lúc, tưởng chừng như cơn ác mộng ấy sẽ đánh gục “giấc mơ con” của tiền vệ hào hoa bậc nhất Việt Nam. Nhưng rồi bản năng và tình yêu với trái bóng đã đưa lối Tuấn Anh trở lại. Tuy nhiên, Tuấn Anh đứng trước những hoài nghi, có thể chơi bóng đỉnh cao nữa hay không hay mãi mãi chỉ là một thần tượng ở thời xa vắng…
Tuấn Anh vắng mặt gần như tất cả các giải đấu lớn của ĐT Việt Nam. Còn ở HAGL, suốt cả mùa giải năm ngoái, khi các đồng đội suýt chạm vào ngôi vương thì Tuấn Anh chỉ đá chính vẻn vẹn 3 trận. Bóng đá không dành cho những kẻ đứng ngoài cuộc chơi dù bạn có là thần tượng của nhiều người đi nữa. Tuấn Anh hẳn thấu hiểu điều đó hơn ai hết nhưng anh chưa bao giờ từ bỏ.
“Tôi vẫn chưa hài lòng về bản thân. Tôi nghĩ mình có thể làm tốt hơn những gì có thể. Tôi phải nỗ lực để có thể chơi tốt hơn nữa. Tốt hơn cho đội bóng và cho cả chính tôi”, Tuấn Anh chia sẻ khi được đặt câu hỏi về câu chuyện thể lực của anh.
Thực tế, những cầu thủ từng bị đa chấn thương, rất khó để hy vọng anh ta có thể chơi 100% phong độ. HLV Kiatisak từng thừa nhận rằng, ông thấy được khả năng chơi bóng nhưng lại không muốn mạo hiểm với đôi chân của học trò là vì thế.
Trong những lần khoác áo ĐTQG, Tuấn Anh gần như chỉ chơi hết hiệp 1 hoặc chỉ đáp ứng được thể lực trong khoảng 65-70 phút. Tuấn Anh thực sự là món hàng hiếm ở vị trí của mình với nhãn quan, lối chơi thông minh và khả năng thoát pressing tuyệt vời… Như đã nói, thể lực luôn là đối thủ chính của anh, nhưng sau những màn trình diễn gần đây trong màu áo HAGL, những hy vọng lại mở ra với một Tuấn Anh đã vào độ chín của tài năng.
“Nhô” đã có 77 trận đá chính cho HAGL
Tính cho đến vòng 9, Tuấn Anh đã có 77 trận đá chính cho HAGL sau 7 mùa giải. Tính bình quân mỗi mùa tiền vệ người Thái Bình chơi 11 trận cho đội bóng phố Núi. Ở mùa 2015, Tuấn Anh đá chính 25 trận, một mùa sau đó anh chuyển qua Jokohama (2016). Hai mùa giải sau đó, Tuấn Anh chỉ đá đúng 6 trận. Mọi thứ chỉ khá hơn ở mùa 2019 và 2020 (chơi 37 trận). Nhưng rồi chấn thương lại đe doạ cơ hội ra sân của tiền vệ sinh năm 1995. Người ta hy vọng, năm nay mọi thứ sẽ khác.