Điểm tựa từ người cha
Oluwafikayomi Tomori, có nghĩa là “Chúa đã mang đến cho tôi niềm vui’”, sinh ra ở Calgary, Nigeria nhưng đến với London từ tấm bé. Khi mới 8 tuổi anh đã lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên Chelsea và họ đã tiếp cận cha anh để mời đến học viện CLB. Nhưng những bước đi đầu tiên là không hề dễ dàng.
Ngay ngày đầu tiên, Tomori đã nói với cha mình rằng anh không chắc sẽ quay trở lại khi mọi chuyện bắt đầu không suôn sẻ. Cậu bé da màu dường như bị ngợp trước lứa bạn đồng trang lứa. Nhưng cha anh đã động viên để giờ chúng ta được chứng kiến một trung vệ Tomori tài năng của ngày hôm nay. “Ông ấy nói rằng mọi thứ đều cần đến sự siêng năng, không chỉ trong bóng đá mà cả trong cuộc sống”, Tomori nhớ lại. “Nếu con làm việc chăm chỉ và nỗ lực hết mình thì những gì con bỏ công sức ra đều sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng. Câu dặn dò đó đã luôn khắc sâu trong tôi”.
Sau đó, Tomori lần lượt chơi cho U18, U21 rồi U23 Chelsea, đồng thời tích lũy kinh nghiệm khi được đem cho mượn ở Brighton, Hull City và Derby. Song anh vẫn chật vật tìm một chỗ đứng trong đội 1, dù đã chinh phục UEFA Youth League 2015/16 và có 4 trận ra sân tại Champions League mùa 2019/20.
Bước ngoặt từ Paolo Maldini
Thế nên, khi giám đốc kỹ thuật của Milan đồng thời là bậc thầy về nghệ thuật phòng ngự, Paolo Maldini tiếp cận Chelsea với ý định hỏi mượn, anh đã không phải suy nghĩ quá lâu.
Tomori cũng chưa thể quên ngày đầu khoác lên mình chiếc áo đỏ đen khi đến với thành Milano. “Sân San Siro giống như một tượng đài. Bạn có thể nhìn thấy nó từ mọi con đường khi lái xe. Có cảm giác như nó luôn hướng về phía bạn. Và vào ngày thi đấu, người hâm mộ có mặt trước trận đấu 2 giờ đồng hồ. Bạn dễ dàng cảm nhận được năng lượng, sự cuồng nhiệt từ họ”.
Tomori rõ ràng đã thu nạp nguồn năng lượng tích cực đó và thể hiện xuất sắc trên sân, để rồi Milan nhanh chóng biến bản hợp đồng mượn thành mua đứt chỉ sau 6 tháng. Anh cũng được toại nguyện khi được thi đấu nhiều hơn ở Champions League, sân chơi mang đến rất nhiều cảm xúc.
“Đèn ở San Siro đã sáng hơn một chút. Nhạc hiệu của Champions League vang lên và cả sân vận động hòa vào điệu nhạc. Âm thanh đó luôn khiến bạn nổi da gà, mặc dù lần nào nó cũng diễn ra. Cảm giác vẫn luôn như mới’”.
“Tôi nhớ khi mình ghi bàn vào lưới Liverpool (Milan thua 1-2 trên sân nhà vào 12/202)1. Tôi đã nhìn lại và chợt nghĩ: “Cuối cùng thì mình cũng đã ghi bàn tại San Siro cho Milan ở Champions League. Tất cả như một giấc mơ. Đó là những gì tôi từng được xem và bây giờ chính tôi đang làm nó. Thật điên rồ!”.
Là nhân tố quan trọng giúp Milan giành Scudetto mùa trước, song Tomori hiểu rõ rằng anh vẫn cần nỗ lực nhiều để phát huy hết tiềm năng. Tomori mong muốn cải thiện kỹ năng phát động tấn công bằng những đường chuyền dài lên phía trên, xử lý bóng bằng chân không thuận tốt hơn, đặc biệt như trở thành ông chủ ở vòng cấm địa tại cả 2 đầu sân.
Bằng cách này hay cách khác, Tomori vẫn đang tiếp tục phấn đấu, nỗ lực để hướng tới phiên bản tốt nhất có thể, như lời cha căn dặn năm xưa. Và một ngày nào đó, khi không còn thi đấu và nhìn lại, Tomori chắc chắn sẽ tự hào về bản thân mình vì anh đã luôn cống hiến tất cả những gì mình có thể.
Tomori giải thích khác biệt lớn về tư duy chơi bóng giữa 2 nền bóng đá
“Tại Anh, họ chơi bóng theo bản năng. Nhưng tại Ý, họ cố gắng giảm thiểu điều này nhiều nhất có thể. Bạn phải luôn biết mình đang làm gì và cách thức đội nhà chơi bóng, cũng như luôn tư duy về vi trí bạn cần phải đưa bóng tới”, Tomori nói.