Kỳ vọng về tiềm năng bóng đá Trung Quốc
HLV Troussier từng được LĐBĐ Trung Quốc tiếp cận 2 lần vào các năm 2003 và 2006. Bóng đá Trung Quốc khát khao hiện diện một lần nữa tại World Cup, sau cột mốc đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến hiện tại ở năm 2002. Nhưng Troussier, người đã giúp Nhật Bản có lần đầu vào đến vòng 1/8 World Cup (cũng tại chính năm 2002) đã khước từ. Ông chia sẻ mình chưa thật sự sẵn sàng để tới đất nước tỷ dân. Phải đến cuối năm 2010, Troussier mới tới Trung Quốc.
“Tôi làm việc với CLB Thẩm Quyến trong 3 mùa giải. Tôi cảm nhận được tiềm năng và khát vọng làm bóng đá của người Trung Quốc”, ông Troussier chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn cách đây 2 năm. Vị HLV người Pháp đánh giá tiềm năng của cầu thủ trẻ Trung Quốc chẳng thua kém các nước châu Âu: “Cầu thủ nhí từ 6-12 tuổi ở đây chẳng khác biệt gì so với Anh, Tây Ban Nha, Italia”.
“Nhưng vấn đề là sau 12 tuổi, mọi thứ với bóng đá Trung Quốc đang chững lại. Dường như, tiềm năng của cầu thủ Trung Quốc vẫn còn ngủ yên đâu đó. Dù họ có tiền, có tham vọng, có khát khao nhưng lại chưa tìm được con đường đúng đắn”.
Ông Troussier vỡ mộng
Troussier quả thực đã bôn ba khắp đất nước Trung Quốc để kiếm những tài năng hứa hẹn cho nền bóng đá này. Nhưng triết lý của ông lại không tìm thấy điểm chung với những mục tiêu về thành tích mà các CLB tại Chinese Super League từng ký hợp đồng với chiến lược gia này nhắm đến. Thực tế thì Troussier đã thất bại ở CLB Thâm Quyến. Ông khiến CLB này trở thành đội vô địch giải VĐQG Trung Quốc đầu tiên phải xuống hạng.
Bất mãn âm ỉ trong lòng người hâm mộ đội bóng và lên tới đỉnh điểm vào tháng 4/2012. Khoảng 20 CĐV Thâm Quyến bao vây, mạt sát Troussier khi ông chuẩn bị lên xe bus của đội dẫn đến một cuộc xô xát. HLV người Pháp cảm thấy bị xúc phạm, nhưng cuối cùng vẫn dẫn dắt đội cho hết hợp đồng vào năm 2013. Sau đó, ở các CLB khác tại Trung Quốc, ông Troussier cũng không có thành tích nào đáng kể.
Trong cuộc chia sẻ với Reuters năm 2017, ông Troussier đã nói “Chúng ta cần đưa ra tín hiệu cho các CLB Trung Quốc rằng họ phải suy nghĩ về việc phát triển bóng đá trẻ. Nhưng họ không quan tâm đến điều đó.
Chúng ta cần những quy trình tích lũy và thực hiện nó thông qua các trường học, thông qua LĐBĐ Trung Quốc, các học viện để xây dựng một giải đấu giàu sức cạnh tranh cho lứa tuổi U17, U18; đồng thời dành kinh phí để đào tạo HLV, xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc. Đó là những gì cần phải suy nghĩ về tương lai”, HLV Troussier từng nói. “Nhưng các CLB lại chỉ quan tâm đến đội 1 và muốn giành chiến thắng. Tôi nghĩ giải VĐQG không giúp ích gì cho LĐBĐ Trung Quốc. Họ không có cùng chiến lược. Trình độ của giải đấu bây giờ hơi thấp vì 80% kết quả đến từ các cầu thủ nước ngoài. Các cầu thủ U23 chưa sẵn sàng dù CFA có yêu cầu CLB phải sử dụng họ”.
Nốt trầm của ông Troussier tại bóng đá Trung Quốc khép lại khi ông sang Việt Nam làm việc tại Trung tâm PVF. Ông bị thuyết phục hoàn toàn về một chiến lược có tâm, có tầm và dài hạn trong việc phát triển nguồn lực trẻ của Việt Nam, hướng tới giấc mơ World Cup trong tương lai gần. Và ngay cả lần tái hợp với Việt Nam hiện tại, ông Troussier vẫn khát khao hiện thực hóa niềm mơ ước ấy.
Ngày mai, HLV Troussier có mặt tại Hà Nội
VFF đã đạt được thoả thuận với HLV Philippe Troussier và theo kế hoạch ngày mai (26/2), nhà cầm quân người Pháp sẽ có mặt tại Hà Nội để chuẩn bị ký hợp đồng dẫn dắt các đội U23, ĐTQG Việt Nam. HLV Philippe Troussier sẽ được bố trí sống tại căn nhà khang trang trong khuôn viên Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Sau khi ký hợp đồng với VFF, HLV Philippe Troussier sẽ công bố danh sách tập trung U23, ĐTQG Việt Nam hội quân trong tháng 3.