Ít người biết rằng, từ mấy năm trước, VPF và đối tác chiến lược Next Media đã lên kế hoạch đưa var vào V.League. Người trong cuộc rất nghiêm túc với kế hoạch này thậm chí, các bên đã tính đến chuyện mua xe var và tăng cường lượng camera cho mỗi trận đấu. Thế nhưng, khi tiếp xúc với FIFA thì mọi chuyện không hề đơn giản. Không phải muốn var là có. Không phải có điều kiện kỹ thuật là có thể áp dụng var vào V.League giống như nhiều sự kiện bóng đá ở Việt Nam đã làm. Và cũng chẳng phải có tiền là mua được công nghệ var. Nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố, từ việc chuyển giao công nghệ từ FIFA đến khả năng nắm bắt, vận hành từ đội ngũ trọng tài Việt Nam.
Và thế là từ chỗ ngay lập tức muốn đưa var vào V.League, kế hoạch đầy tham vọng này cứ bị đình lại. Và phải sau rất nhiều lần tiếp xúc, tìm hiểu và trao đổi nghiêm túc, đến giờ, VPF mới có thể đưa ra được lộ trình cho việc áp dụng công nghệ tiên tiến này vào giải đấu. Nói thì đơn giản, nhưng để có được cái gật đầu của FIFA và sự sẵn sàng của hệ thống bóng đá nước nhà cần một thời gian đủ dài và những cố gắng đủ lớn của rất nhiều người, nhiều bộ phận. Việc có được công nghệ var sẽ giúp V.League giảm thiểu sai sót, tạo ra công bằng và sức hút với cộng đồng. Nhưng chắc chắn một điều, dù có được công nghệ var thì yếu tố con người vẫn là quyết định. Việc tuyển chọn, đào tạo đội ngũ trọng tài, chuyên gia kỹ thuật có thể theo kịp công nghệ tiên tiến này là yêu cầu sống còn ngay từ lúc này và cả thời gian tới đây.
VAR không còn xa với V.League. Nhưng câu chuyện tìm hiểu và đưa var về V.League thật sự đáng để suy ngẫm cũng như luận bàn. Rằng, bóng đá trong xu thế hội nhập có những nguyên tắc rất riêng của nó. Một nền bóng đá muốn hội nhập một cách chủ động thì không còn cách nào khác phải nâng cao tiềm lực của mình. Nói thẳng ra, V.League hay bất cứ giải đấu nào muốn theo đuổi một cuộc chơi tốn kém thì phải có tiền, có rất nhiều tiền cũng như nhân sự đủ tốt để đảm bảo rằng, var không phải là gánh nặng.