Cuộc cách mạng ở bóng đá Nhật Bản
World Cup 1998 chứng kiến ĐT Nhật Bản thua cả 3 trận vòng bảng trước Argentina, Croatia và Jamaica. LĐBĐ Nhật Bản đương nhiên không thể chấp nhận kết quả tệ hại ấy. Họ tìm đến LĐBĐ Pháp để xin tư vấn về một cái tên có thể thay đổi bóng đá xứ sở hoa Anh đào. LĐBĐ Nhật Bản cũng “gõ cửa” Arsene Wenger, HLV trưởng Arsenal khi đó để xin lời khuyên. Tất cả đều hướng về một đáp án. Đó là Philippe Troussier.
Câu trả lời ấy là khởi đầu cho một thành công rực rỡ trên nhiều phương diện của bóng đá Nhật Bản. Ông Troussier giúp U20 Nhật Bản vào đến chung kết U20 World Cup 1999, đưa U23 Nhật Bản vào tứ kết Olympic 2000 trước khi tạo nên kỷ lục 21 bàn thắng sau 6 trận và chức vô địch Asian Cup 2002 của ĐT Nhật Bản. Trong cuộc phỏng vấn Philippe Troussier năm 2019, Sofoot mở đầu bằng một đoạn dẫn thế này: “Bóng đá Nhật Bản đã được cả thế giới công nhận. Tại World Cup 2018, trước khi thất bại cay đắng trước Bỉ, Nhật Bản đã lấn lướt đội tuyển xếp hạng 1 FIFA trong hơn 1 tiếng đồng hồ. Sâu xa với thành tựu có được như hiện tại chính là sự thay đổi trong tư duy phát triển bóng đá Nhật Bản, được chuyển mình và từng bước đi lên suốt 20 năm qua. Và người có công lớn tạo nên nền móng ấy chính là Philippe Troussier”.
“Sảnh danh vọng” của LĐBĐ Nhật Bản cho tới thời điểm này vẫn giành một vị trí trang trọng cho Troussier. JSelect từng có bài viết về nền móng thay đổi bóng đá Nhật Bản của Troussier. Trong đó, ở giai đoạn mà bóng đá không phải là môn thể thao được quan tâm hàng đầu xứ sở hoa Anh đào, Troussier đã tạo nên cú hích lớn nâng tầm vị thế về bóng đá, đặc biệt là hệ thống các giải thi đấu từ cấp độ trẻ đến chuyên nghiệp. Ngay cả như vậy, Troussier vẫn khiêm tốn. Ông nói với truyền thông Nhật Bản: “Tôi không có mặt ở đây để dạy người Nhật chơi bóng. Họ có kỹ thuật sẵn rồi. Công việc của tôi, bằng tính cách khắc nghiệt, là tạo ra một tập thể gắn kết, giàu thể lực, kỷ luật, cứng rắn và tự chủ”.
Hy vọng phát triển bóng đá Việt Nam
Theo lời kể của Mauro Jeronimo, cộng sự từng có thời gian làm việc với Philippe Troussier tại Trung tâm đào tạo bóng đá PVF, “Phù thủy trắng” bị hấp dẫn bởi kế hoạch hướng tới VCK World Cup của Việt Nam, với hệ thống các cầu thủ trẻ được đào tạo và phát triển một cách nghiêm túc.
“Ở thời điểm này, bóng đá Việt Nam khó có thể so bì về vị thế với bóng đá Nhật Bản. Nhưng nên nhớ, 20 năm trước khi tôi lần đầu đến xứ sở hoa Anh đào, hoàn cảnh cũng diễn ra tương tự Việt Nam lúc này”, Philippe Troussier nói với Sofoot. “Lúc đấy, bóng đá Nhật Bản cũng không được giới chuyên môn đánh giá, nhìn nhận một cách thực tế. Ở thời điểm đấy, tôi nhớ chỉ có Hidetoshi Nakata xuất ngoại. Nhưng lúc này, rất đông cầu thủ Nhật Bản chơi bóng tại châu Âu. Tôi nghĩ, bóng đá Việt Nam cần vượt qua ranh giới vốn có. Tôi nhìn thấy một số cầu thủ giỏi ở Việt Nam đủ khả năng thi đấu tại Ligue 1 (VĐQG Pháp). Rồi một lúc nào đó, chúng ta sẽ thấy cầu thủ Việt Nam đủ bản lĩnh khẳng định mình ở châu Âu”.
Ông Troussier nói tiếp: “Nhật Bản là mô hình mà tôi muốn xây dựng tương tự cho bóng đá Việt Nam. Dân số Việt Nam rất trẻ, giàu khát vọng và nhiều năng lượng. Nhật Bản và Việt Nam có mối quan hệ khá thân thiết với nhau. Các cầu thủ Việt Nam đã, đang và sẽ có dịp đến Nhật Bản trải nghiệm hoặc xin lời khuyên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mối quan hệ tốt với bóng đá Hàn Quốc. Đấy là điều kiện cần để thúc đẩy phát triển bóng đá Việt Nam”.
Sofoot ví von Trung tâm PVF – nơi ông Troussier làm Giám đốc kỹ thuật năm 2018, khởi đầu giấc mơ World Cup cho bóng đá Việt Nam của “nhà truyền giáo” này giống như Clairefontaine (Học viện bóng đá nổi tiếng của Pháp). Trong đó, Troussier có trách nhiệm nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển nhân sự. Đặc biệt, Troussier còn cất công xây dựng đội ngũ nước ngoài gồm bác sỹ trưởng, Giám đốc thể thao, trợ lý đến từ Tunisia, Pháp, Morocco hay Bồ Đào Nha. Đáng nói hơn ở thời điểm đó, theo Sofoot, có tới 40 trợ lý Việt Nam có trình độ cùng một lượng lớn phiên dịch viên tham gia cộng sự với Troussier.
“Đó là mảnh đất màu mỡ”, Philippe Troussier tâm sự thời điểm đó. “Từ những viên kim cương thô, gần 200 học viên từ 10-16 tuổi được rèn giũa và hứa hẹn trở thành những ngôi sao sáng cho ĐT Việt Nam. Quả thực, bóng đá là môn thể thao được người Việt Nam rất ưa chuộng. Bên cạnh Trung tâm PVF, những tổ chức tư nhân, các CLB lớn cũng triển khai các học viện, mang đến nhiều kỳ vọng cho bóng đá Việt Nam”.
HLV Troussier ấp ủ và hy vọng: “Các cầu thủ trẻ Việt Nam sáng tạo, kỹ thuật. Họ là những vận động viên giỏi trong vóc dáng nhỏ bé. Tất nhiên, họ vẫn còn nhiều giới hạn, với lỗ hổng lớn trong tư duy chiến thuật. Tôi sẽ cố gắng lấp đầy điều đó”.