Bão tố ở Camp Nou
M.U trong tay Ten Hag chơi phòng ngự phản công, điều này đối thủ nào cũng biết, Barcelona đương nhiên càng biết. Nhưng biết là một chuyện, ngăn chặn được lại là một chuyện khác. Tại Camp Nou hôm giữa tuần, M.U chỉ cầm bóng chưa tới 40% nhưng tung ra số pha dứt điểm tương đương đội chủ nhà, phần lớn từ những pha phản công.
Các cơ hội nguy hiểm nhất của đội khách trong hiệp 1 đều đến từ những pha cướp bóng ngay trên phần sân Barca. Trong tình huống Wout Weghorst đối mặt với Ter Stegen, chỉ 9 giây trước đó, bóng còn trong chân Raphinha nhưng bị Luke Shaw đoạt mất, trước khi Bruno Fernandes tung ra đường chuyền hoàn hảo cho trung phong người Hà Lan.
6 phút sau, đến lượt Jadon Sancho chặn được đường chuyền của Jules Kounde và chỉ mất 7 giây, Rashford đã tung ra được cú cứa lòng buộc Ter Stegen phải cản phá lần thứ 2.
Sang đến hiệp 2, vẫn là cách chơi tương tự của M.U nhưng Barca vẫn không cản được. Trong bàn gỡ hòa của Rashford, Raphael Varane chặn được đường phất lên của Jordi Alba và chuyền bóng cho Casemiro ở giữa sân. Kể từ lúc bóng trong chân Casemiro tới khi nằm trong lưới đội chủ nhà chỉ mất thêm 10 giây nữa.
Thực tế thì nếu chắt chiu hơn, số bàn thắng của Quỷ đỏ từ những pha phản công đã không dừng lại ở 1. Không hoàn toàn là vì Barca lộ nhiều khoảng trống mà lý do chính là bởi M.U triển khai bóng quá nhanh, khiến cho đội hình của đối thủ không kịp chuyển về trạng thái phòng ngự.
Những gì Barca phải hứng chịu cũng là trải nghiệm của Tottenham, Liverpool, Arsenal và Man City khi đối đầu M.U. Miếng đánh này được thầy trò Ten Hag chuyên tâm luyện tập tới mức nhuần nhuyễn, phát huy hiệu quả tối đa ngay cả trước những đối thủ được tổ chức tốt nhất.
Man United lì lợm, giàu sức chiến đấu
Công thức cho lối chơi này được hình thành khi Ten Hag có đủ nhân sự phù hợp. Casemiro là sự bổ sung hoàn hảo ở giữa sân, giúp giành lại bóng nhanh nhất có thể. Bruno với tư duy chuyền bóng trực diện chính là cây chia bài tốt nhất, đưa bóng tới chân Rashford nhanh nhất và tận dụng tối đa tốc độ của mình để kết liễu đối thủ.
Nhưng M.U trong tay Ten Hag không đợi đối phương qua vạch giữa sân mới bắt đầu pressing. Thực tế, họ đã cải thiện đáng kể khả năng đoạt lại bóng ngay ở 1/3 sân đối thủ, với trung bình 3,48 lần mỗi 90 phút. Con số này tăng đáng kể so với 3,24 lần (mùa 2021/22), 3,08 lần (2020/21), 2,74 lần (2019/20) và 2,29 lần (2018/19).
Cùng với đó, M.U dẫn đầu Premier League ở số lần “tấn công trực diện” với 82 lần. Theo Opta, “tấn công trực diện” được định nghĩa là một chuỗi kiểm soát bóng bắt đầu từ phần sân nhà và được kết thúc bằng một cú sút hay chạm bóng trong vòng cấm đối phương được thực hiện trong 15 giây. Trung bình mỗi 90 phút, M.U tung ra được 3,57 lần tấn công kiểu này, hơn đáng kể so với 2,82 lần của mùa trước.
Phản công đòi hỏi yếu tố tổ chức đội hình tuyệt vời. Dưới thời Solskjaer, M.U từng rất thành công với các bàn thắng kiểu này nhưng nền tảng lại không vững. Họ thiếu sự chắc chắn ở hàng thủ với các trung vệ không có đủ tốc độ cần thiết để chống phản công hay đoạt bóng lại thật nhanh, lại thiếu những “máy quét” ở giữa sân để không chỉ tranh chấp, thu hồi bóng mà còn giữ cự ly phù hợp. M.U chỉ hay khi Bruno và Rashford thăng hoa, còn không thì rất rời rạc và thiếu sức chịu đựng.
Còn ở hiện tại, M.U là một phiên bản lì lợm hơn, giàu sức chiến đấu hơn. Ten Hag cũng được đánh giá cao hơn Solsa ở khả năng thích ứng và điều chỉnh chiến thuật. Việc ông thầy người Hà Lan dám kéo Weghorst xuống chơi tiền vệ, đứng thấp hơn cả Rashford nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Quan trọng là những thay đổi này phát huy hiệu quả cao, hoàn thiện cách M.U tấn công, giúp họ luôn chủ động kể cả khi không có bóng. Không hề sai khi nói “Quỷ đỏ” lúc này quá nhanh, quá nguy hiểm!
M.U ghi bàn từ phản công nhiều nhất
Theo thống kê, M.U ghi tới 7 bàn từ phản công, nhiều nhất Premier League mùa này. Đội xếp thứ 2 trong danh sách này là Brentford mới có 5 lần. Man City đứng thứ 3 với 4 lần. Chuyên gia chuyển đổi trạng thái của mùa trước – Liverpool mới chỉ có 3 lần thành công.