Trong Cổ học tinh hoa có câu chuyện “Tăng Sâm giết người”. Tăng Sâm là người thời Xuân Thu, học trò của Khổng Tử. Một ngày có kẻ bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt. Một lúc, lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên làm việc của mình. Nhưng đến người thứ ba nói điều ấy thì bà mẹ sợ cuống lên và quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.
Lần thứ ba trong vòng 4 năm, Manchester City bị cáo buộc. Lần thứ nhất diễn ra vào năm 2018, tạp chí Der Spiegel của Đức công bố các tài liệu rò rỉ từ Football Leaks về việc Man City khai khống những khoản tiền từ nhà tài trợ. Đội bóng đã ngụy tạo thành tiền tài trợ (thực tế là của các vị chủ sở hữu CLB), nhằm tạo nên “doanh thu ảo” giúp Man City cân đối việc chi tiêu. Lần thứ hai diễn ra vào năm 2020, khi LĐBĐ châu Âu (UEFA) cấm Manchester City tham dự các giải đấu trong phạm vi tổ chức của Liên đoàn bóng đá châu Âu vì vi phạm các quy định của luật công bằng tài chính (FFP). Và lần thứ ba diễn ra vào tuần trước, khi Premier League cáo buộc Man xanh vi phạm các luật của FFP từ mùa giải 2009/10 đến 2017/18. Cáo buộc này sẽ được gửi lên một Ủy ban độc lập và tiến hành tố tụng.
Khi bạn bị cáo buộc đến lần thứ 3, dù đúng hay sai thì rất khó để nói bạn vô can và không có căn cứ cho việc đấy. Ví dụ như câu chuyện của Tăng Sâm là do tên trùng tên sinh ra sự hiểu lầm. Nhưng sự việc Manchester City thì đương nhiên là không có điều ấy rồi. Do đó, chuyện nửa xanh thành Manchester phát đi thông báo có đoạn: “Chúng tôi ngạc nhiên khi ban tổ chức Ngoại hạng Anh đưa ra những cáo buộc này, đặc biệt là khi họ đã nhận được sự hợp tác toàn diện và số lượng tài liệu lớn” thật sự khiến người hâm mộ ngạc nhiên về cái từ “ngạc nhiên” mà họ sử dụng.
Bây giờ hãy bỏ qua cái gọi là tất nhiên có tội (dù chưa được cáo buộc chính thức) của Manchester City, như lời Pep đã nói “Ở nước Anh, mọi người đều vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội.” Tuy nhiên tính đúng đắn của nó thì ta được quyền suy xét. 3 năm về trước, các tifosi đã có một trận cười vỡ bụng khi AC Milan nghèo rớt đang vật vã tìm lại vinh quang xưa bị phạt vi phạm luật công bằng tài chính. Cần biết, số tiền mà một nhà vô địch của nước Ý kiếm còn không bằng một đội hạng trung nước Anh. Nhưng đó là thế giới, là sự bất công. Luật công bằng tài chính về cơ bản đã bị những PSG, Chelsea, Barcelona và Manchester City cười lên mũi bằng cách này hay cách khác theo những bài bản khác nhau suốt cả thập kỷ qua. Kẻ thì mượn 0 đồng và trả tiền sau, kẻ thì kích hoạt đòn bẩy tài chính, kẻ thì mua với khấu hao dài hơi.
Vì vậy, nếu có thể thành công trong việc cáo buộc Manchester City, thì UEFA nói chung và Premier League nói riêng mới có thể khẳng định được quyền lực và mục tiêu công bằng mà FFP khi ra đời đã tìm đến.
Trong việc này, Manchester City khả năng sẽ chết vì bị trở thành “án điểm”.