Một trong những nguyên tắc hoạt động sống còn trong các CLB bóng đá là giữ bí mật cho tới ngày có thông báo chính thức. Chính nhờ thế nên dù có bao nhiêu tin đồn bủa vây, người trong cuộc vẫn có thể phản biện cho phù hợp với hoàn cảnh, dù những dấu hiệu phát ra rõ ràng chỉ theo một hướng khác.
Chắc chắn có rất ít cầu thủ dẫn theo người đại diện của mình tới buổi hội quân với đội bóng chủ quản. Đặc biệt là khi anh ta đã vắng mặt trong cả tour du đấu trước đó vì lý do rất vu vơ là “chuyện gia đình”. Hãy nhớ, Ronaldo là một cầu thủ đặc biệt ham thi đấu và chưa bao giờ vì chuyện cá nhân (không phải chấn thương) mà nghỉ quá 1 trận trong sự nghiệp.
Đây là mùa hè rất quan trọng với MU khi tân HLV Ten Hag bắt đầu triều đại của mình. Khỏi phải nói, tất cả đều hiểu giai đoạn chuẩn bị trước mùa giải quan trọng như thế nào. Nhưng Ronaldo đã vắng mặt gần như toàn bộ và chỉ xuất hiện trong trận cuối cùng.
“Chủ nhật này, Nhà vua sẽ thi đấu”, Ronaldo bất ngờ thông báo trên mạng xã hội, ám chỉ sẽ ra sân ở trận gặp Rayo Vallecano tại Old Trafford. Trước đó, siêu sao 37 tuổi còn bực tức: “Báo chí luôn nhắc tới tôi mọi ngày. Có lẽ không làm việc đó thì họ không kiếm được tiền. Họ biết rằng nếu họ không bịa chuyện, họ sẽ không thể thu hút sự chú ý của mọi người. Nhưng mọi người hãy cứ yên tâm, một ngày nào đó các bạn sẽ nhận được thông tin đúng đắn”.
Hãy là một khán giả thông minh và tự suy luận xem bên nào mới đang điều hướng dư luận. Thực tế, đây là điều rất khó khăn với cả người trong cuộc. Bruno Fernandes từng chia sẻ trong tour du đấu ở Úc: “Tôi không biết Cristiano Ronaldo đã nói gì với ban lãnh đạo và huấn luyện viên. Tôi không rõ anh ấy định làm gì và cũng không muốn biết”.
Đến đây, hãy tạm gạt bỏ quá trình sang một bên và chỉ chú ý tới kết quả. Sau cùng thì có vẻ như Ronaldo vẫn sẽ ở lại MU. Nhưng lần đầu tiên trong sự nghiệp, Ronaldo đối diện với quy luật phũ phàng rằng anh đã không còn vị thế là người nắm đằng chuôi cho tương lai của mình.
14 năm trước, Ronaldo từng nhún nhường vì tình cảm với Sir Alex và đồng ý “thỏa thuận của những quý ông”. Theo đó, Sir Alex thuyết phục cậu học trò ở lại MU thêm 1 năm, sau đó ông sẽ đồng ý để anh chuyển tới Real Madrid.
Vì “người cha trong bóng đá” của mình, Ronaldo đã gật đầu. Với 18 bàn trong mùa 2008/09, Ronaldo giúp MU vô địch Ngoại hạng Anh lần thứ 3 liên tiếp, đồng thời vào tới chung kết Champions League.
Kể từ đó, Ronaldo bước vào cảnh giới không thể đụng đến. Anh ngấm ngầm đòi tăng lương, gia hạn với Real chỉ thông qua những mẫu câu đơn giản, lặp đi lặp lại của người đại diện Mendes, kiểu như “Ronaldo buồn”.
Khi đấy, chỉ một tiếng hắt-xì của CR7 cũng khiến cả Bernabeu sụt sịt. Anh duy trì sự ngạo nghễ đó đến tận những năm đầu ở Juventus.
Chỉ đến bây giờ, khi không còn một lựa chọn nào khả dĩ hơn ở lại MU, Ronaldo mới miễn cưỡng chấp nhận.
Nhưng không may cho Ronaldo và may mắn cho MU, ngôi sao 37 tuổi đã tự tay nhấc chiếc vương miện ra khỏi đầu mình. Chẳng cầu thủ nào không chịu cam kết với đội bóng mà vẫn có thể làm “vua”.
Một khi Ronaldo đã không còn muốn làm biểu tượng của MU nữa, đội bóng cũng sẽ đối xử với anh như một cầu thủ bình thường. Có thi đấu, có dự bị, Ten Hag chưa bao giờ thích những đặc quyền trong phòng thay đồ và giờ ông cũng không phải lo lắng điều đó ở Old Trafford nữa.
Chiến lược gia người Hà Lan từng khẳng định sẽ chỉ chọn cầu thủ thi đấu dựa trên thái độ và màn thể hiện trên sân tập, chứ không phải tên tuổi của họ. Một cơ chế công bằng như vậy sẽ là phù hợp với thời đại mà MU không còn (cần) vua nữa.