Việc một cầu thủ lớn tuổi phải xỏ giầy trở lại thực sự là điều không mong muốn của V.League.
Tìm nhân tố mới, ưu tiên sử dụng cầu thủ trẻ luôn là bài toán hóc búa của V.League. Ai cũng biết, không thể có lứa cầu thủ kế cận cho đội tuyển, cho từng đội bóng nếu các cầu thủ trẻ không được tạo điều kiện ra sân. Thế nhưng, trong một môi trường khắc nghiệt như V.League, các đội bóng phải đặt cược sinh mệnh vào từng đội hình ra sân thì rất ít cơ hội cho cầu thủ trẻ. Không thể ép các đội bóng phải cho cầu thủ trẻ được thi đấu khi thành tích là ưu tiên số 1.
Rất nhiều lần người ta tìm công thức nhằm hài hòa giữa thành tích chuyên môn và cơ hội ra sân cho các cầu thủ trẻ. Mọi giải pháp đưa ra đều không thuyết phục các đội bóng. Thậm chí, nhiều nhà chuyên môn còn tính đến chuyện, thành lập đội tuyển trẻ để tham dự V.League như cách để tạo nguồn nhân lực cho ĐTQG, cho V.League. Có doanh nghiệp sẵn sàng chi hàng chục tỷ đồng cho kế hoạch đầy tham vọng này. Thế nhưng, ý tưởng dù tốt đẹp đến mấy nhưng không hài hòa được quyền lợi của từng đội bóng thì chẳng đi vào cuộc sống. Những lò đào tạo trứ danh không chấp nhận mang quân cho người khác sử dụng và kéo theo đó là rất nhiều những khúc mắc về chuyên môn.
Vậy nên, chính sách thúc đẩy cầu thủ trẻ phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược đào tạo và phát triển của từng CLB. Nếu các lò đào tạo thực sự có chất lượng, các nhà cầm quân đủ dũng khí thì cầu thủ trẻ sẽ có nhiều điều kiện ra sân. Bằng chứng là Hà Nội, Viettel, SHB Đà Nẵng, SLNA… đang có bước đi phù hợp trong việc thúc đẩy cầu thủ trẻ phát triển. Thay vì phải cầu cứu những cầu thủ đã quá lớn tuổi, họ đặt niềm tin vào các tài năng trẻ và coi đó là giải pháp cho tương lai. Tất nhiên, để cầu thủ trẻ thành công cần thời gian nhưng nếu vượt qua được thách thức ban đầu, các đội bóng sẽ tìm kiếm cho mình tương lai vững chắc.