Nhưng 5, tượng trưng cho một bàn tay, cũng chính là thứ chiến thuật cực đoan “5 hậu vệ” mà HLV người Italia áp dụng, là lý do chính khiến Tottenham không chỉ thua một trận, mà còn sa lầy trong cả cuộc chiến giành vé vào Top 4.
Conte một lần nữa nói rằng, “Tottenham chơi tốt trong hiệp 2”. Bài ca “hiệp 2” đã khiến Tottenham chùn bước, khiến họ mất đi quá nhiều điểm số. Gà trống luôn ra sân với tâm lý sợ thua, để rồi khi thua thật, thua tới mức không thể gắng gượng mới chịu cởi bỏ tư tưởng cố hữu để vùng lên tấn công tìm bàn gỡ.
Tottenham có tấn công được không? Có! Tottenham có đủ nhân lực để triển khai lối chơi áp đặt, lối chơi cuốn phăng đối thủ không? Có! Họ từng ghi 4 bàn vào lưới Crystal Palace và Leeds, từng 6 lần làm tung mành lưới của Leicester. Vấn đề lớn nhất và cũng là duy nhất ở đây chỉ là: HLV của họ, Conte, không muốn chơi như vậy.
Nếu nói đơn thuần về bối cảnh điểm số trên BXH, Arsenal mới là đội “không cần phải thắng bằng mọi giá” bởi lẽ, Man City đã bại trận trước M.U. Trong khi ấy, cũng là vì M.U bất ngờ đánh bại Man City, Tottenham bước vào derby Bắc London với tâm thế “phải thắng” vì nếu mất điểm thì sẽ bị M.U gia tăng khoảng cách trong hoàn cảnh họ đang đá nhiều hơn Quỷ đỏ 1 trận.
Nhưng giải pháp của Conte đưa ra không hướng tới mục tiêu chiến thắng. Ông dùng 5 hậu vệ, yêu cầu toàn đội lùi sâu. Có điều, lùi sâu là vô nghĩa với Arsenal. Họ leo lên đầu bảng BXH mà không cần một tiền đạo thực thụ khi sức công phá tới từ các gương mặt ở tuyến hai, và tình huống Tottenham chủ động lùi sâu, cho Partey mở bóng để Saka làm tội làm tình Sessegnon là hình ảnh phản chiếu rõ nhất chất lượng bóng đá Conte đem tới.
Cho tới khi Arsenal ghi bàn thứ hai, Tottenham chưa thay đổi. Arsenal bấy giờ đã sút tới 8 quả, còn thống kê của Gà trống là 2. Arsenal cầm bóng 60%, và Arteta tuy ít tuổi nhưng sớm hình thành tư duy của một HLV lớn, ấy là “Khi có lợi thế trong tay phải tranh thủ tận dụng triệt để”. Ngược lại, Conte chỉ thực sự yêu cầu học trò dồn lên, tấn công bằng mọi giá khi cách biệt là quá lớn để san lấp.
Conte không thể tìm được lý do nào nữa để bào chữa cho thất bại này. Ông đã tiêu 170 triệu bảng kể từ khi nắm quyền, gấp 3 lần con số của Jose Mourinho trước đó. Conte được chủ động làm việc với GĐTT Paratici, và cũng được toàn quyền kiểm soát hậu trường. Giờ thì, Conte chỉ còn biết nhìn về phía trước, với tương lai mờ mịt trên con đường vô vọng.