Những người lãnh đạo thường sẽ là người truyền kinh nghiệm làm việc cho nhân viên, và tính cách của họ sẽ phản ánh phong cách của cả tổ chức. Văn hóa doanh nghiệp sâu rộng và đi sát tùy thuộc vào tính cách sâu sát của chính người lãnh đạo.
Vào ngày Chelsea được mua bởi tỷ phú người Nga, Roman Abramovich, The Blues đã bắt đầu hình thành một phong cách và bản sắc riêng rất tương đồng với tính cách và năng lực của ông chủ. Ngày đó, quanh Abramovich có hai người đàn ông quan trọng, đấy là CEO Peter Kenyon và HLV Jose Mourinho.
Chúng ta có thể so sánh thế này cho dễ hiểu, nếu ông chủ Roman Abramovich là Lưu Bị, thì quân sư đã tạo nên đế chế The Blue để có thể “chia ba thiên hạ” chính là “Khổng Minh” Peter Kenyon, và vị đại tướng quân đánh đông dẹp bắc là “Quan Vũ” Jose Mourinho. Những hành động đối nội và đối ngoại của Kenyon và Mourinho phản ánh con người Nga, tính cách Nga và phong cách tài phiệt chỉ cần mình, không cần quan tâm cảm giác người đối diện của Roman Abramovich.
Cách Kenyon lấy Arjen Robben ngay trước mũi Man United là một thương vụ khá mafia khi trả gấp đôi cái giá mà Quỷ đỏ đưa ra. Về thương hiệu, Kenyon tạo nên bản hợp đồng với Samsung và đi khai phá các thị trường châu Á còn chưa thành hình. Và đối ngoại là “đấu” với nhóm 14 CLB quyền lực nhất và giàu truyền thống nhất châu Âu (đã giải thể năm 2008).
Kenyon ở ngoài sân, và Mourinho ngạo mạn ở trong sân đều có điểm chung của một phong cách rất Nga, họ tạo tâm lý Chelsea là kẻ truyền thống ngang hàng với Top 14 CLB kia, và hoàn toàn ở cái tầm cao hơn so với kiểu của “các nước đang phát triển”. Tóm lại, Chelsea như nước Nga: khiến người ta ghét nhưng cũng e dè, lắm người yêu và cũng không thiếu kẻ thù.
Khi Chelsea chia tay Roman Abramovich và chuyển về tay tỷ phú Todd Boehly, chúng ta đã bắt đầu nhận thấy có những thay đổi từ phong cách Nga sang phong cách Mỹ. Có câu chuyện như thế này để cho thấy khác biệt giữa người Nga và người Mỹ. Tại Mỹ, mọi người có thể gọi thẳng tên bố mẹ của bạn.
Ví dụ, khi bạn nói: “Xin chào cô, mẹ của Natasha”, câu hồi đáp có thể sẽ là: “Ôi cháu yêu, hãy gọi cô là Kate”. Nhưng ở Nga, khi bạn đề nghị: “Cháu có thể gọi cô là Kate được không”, câu trả lời sẽ là: “Kate là cái gì vậy? Tôi tên là Ekaterina Petrovna. Và đừng có gọi quá thân mật như thế”. Bạn có thể thấy rằng dưới bàn tay lãnh đạo của Roman Abramovich thì mọi thứ ở Chelsea gần với quân phiệt, nhiều bí mật và luôn sẵn sàng “trảm” khi cần.
Nhưng ở trong tay của tỷ phú Todd Boehly thì mọi thứ nhẹ nhàng hơn, đối xử bằng tình cảm, những lời khuyên có tính chất dạy dỗ cao hơn là một quyết định đơn phương. Abramovich mua cầu thủ có tính chất phù hợp, còn Todd Boehly mua cầu thủ có tính chất thần tượng. Abramovich không quan tâm quốc tịch, chỉ cần giỏi. Còn Boehly có quan tâm.
Người khắt khe sẽ bảo Chelsea đang mất bản sắc. Còn người lạc quan sẽ nói “Đợi ngày mới tại Stamford Bridge”.