Đại diện cho dòng máu trẻ Arsenal
Sau khi mùa giải kết thúc, HLV Mikel Arteta tuyên bố: “Saka cần được nghỉ ngơi. Cậu ấy đã thi đấu quá nhiều trong hai mùa giải vừa qua. Bạn luôn mong đợi những cầu thủ quan trọng có thể đóng góp nhiều. Saka đã trải qua thời gian dài ổn định. Nhưng có một vài giai đoạn, cậu ấy cần được nghỉ ngơi”.
Rõ ràng Arteta muốn bảo vệ Saka như “báu vật”. Bởi hơn ai hết, ông hiểu được tầm quan trọng của cầu thủ sinh năm 2001. Mùa giải vừa qua, ngôi sao trẻ này mang tới những gì tinh túy nhất. Anh là cây săn bàn xuất sắc nhất (11 bàn) và là cầu thủ có nhiều pha kiến tạo nhất (7 đường) cho Arsenal.
Tính ra, Saka đã đặt dấu giày vào 18/61 bàn thắng cho Pháo thủ, tương đương với 30% số bàn thắng. Đó là con số ấn tượng với cầu thủ vốn không phải là mũi nhọn.
Saka bước vào mùa giải vừa qua với nỗi đau khi là tội đồ của ĐT Anh (đá hỏng phạt đền ở chung kết EURO 2020), nhưng chừng đó không thể làm anh gục ngã. Ở góc độ tích cực hơn, Saka đã vươn lên nhờ cú hích từ “vết thương lòng”.
Ngôi sao sinh năm 2001 là hình ảnh tiêu biểu của “dòng máu trẻ” ở Arsenal mà HLV Arteta đang xây dựng. Đó là cầu thủ khát khao và không ngừng vươn lên phía trước. Nỗi đau chính là nền móng để tạo nên một thế hệ rắn rỏi hơn. “Tôi nghĩ tình huống đá hỏng phạt đền trong trận đấu với Italia giúp Saka tốt hơn. Cậu ấy nhận ra rằng ngay cả trong thời điểm khó khăn vẫn được ủng hộ hết mực. Ở độ tuổi này, những gì cậu ấy làm được thực sự phi thường” – HLV người Tây Ban Nha chia sẻ.
Nhiều tài năng trẻ của Anh ở thế hệ Saka như Greenwood, Foden đều ít nhiều dính “phốt” thì ngôi sao của Arsenal vẫn như “tờ giấy trắng”. Hồn nhiên chơi bóng, với khát khao cháy bỏng. Như tờ Guardian khẳng định: “Mọi thế hệ người hâm mộ, từ già tới trẻ, kể cả CĐV đối thủ đều yêu mến chàng trai này. Hãy thử tưởng tượng một cầu thủ Anh không bị lôi ra châm biếm sau khi sút hỏng phạt đền ở chung kết EURO. Đó chỉ có thể là Saka”.
Arsenal tìm mọi cách “trói” Saka
Man City đang nhóm ngó Saka. Arsenal ý thức được điều đó và cố gắng không muốn thảm họa xảy ra. Đó là lý do mà thời gian qua, Pháo thủ đang gấp rút “trói chân” tài năng trẻ này. Mức lương hiện tại của cầu thủ 21 tuổi chỉ là 70.000 bảng/tuần. Rõ ràng, nó không thể tương xứng so với đóng góp và tiềm năng của Saka. Ngay cả những người mới như Thomas Partey, Gabriel Jesus đều nhận khoảng 200.000 bảng/tuần. Vì vậy, chẳng có lý do gì Saka không được con số ít hơn.
Theo một vài nguồn tin, Arsenal dự kiến sẽ tăng lương ít nhất gấp đôi (150.000 bảng/tuần) cho Saka. Phần nào đó, nó cũng là động thái ghi nhận đóng góp của ngôi sao người Anh sau mùa giải vô cùng tuyệt vời.
Cựu chủ tịch Crystal Palace, Simon Jordan đã lên tiếng cảnh báo: “Arsenal sẽ thất bại nặng nề nếu mất Saka ở thời điểm này. Vô cùng thất vọng nếu như Arsenal không tháo gỡ nút thắt trong việc gia hạn hợp đồng với Saka”.
Nhưng tất nhiên, mọi thứ không chỉ nằm trong quyền quyết định của Arsenal. Bởi lẽ, họ cần cái gật đầu của Saka. Như tờ Daily Mail, việc không thể giành vé tham dự Champions League mùa trước khiến cho Pháo thủ gặp khó khăn hơn trong việc thuyết phục cầu thủ 21 tuổi ở lại Emirates.
Saka có tham vọng lớn, muốn được trình diễn tài năng ở sân khấu lớn như Champions League. Nếu như Arsenal không thể mang lại cho anh điều đó, rất khó để hy vọng vào cam kết lâu dài. Trong mùa Hè 2022, Arsenal đã vung tiền chiêu mộ Jesus, Zinchenko, Fabio Vieira. Họ đủ khả năng cạnh tranh tấm vé dự Champions League. Nhưng vấn đề là CLB thành London có thể thuyết phục Saka tin vào việc sẽ hoàn thành mục tiêu đó hay không?
Saka là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất lứa U21 ở châu Âu
Theo công bố của Trung tâm Nghiên cứu Thể thao Quốc tế (CIES), Saka là cầu thủ U21 gây ấn tượng nhất châu Âu mùa giải vừa qua. Tiêu chí này dựa trên đánh giá về phòng thủ, khả năng phân phối bóng, tạo cơ hội, ghi bàn, dứt điểm… Greenwood là người xếp thứ hai trong danh sách này.
131. Mùa giải trước, Saka đã thực hiện 131 lần rê bóng thành công ở Premier League, nằm trong Top 5 cầu thủ rê bóng tốt nhất giải đấu.