“Chúng tôi đã thể hiện tinh thần tuyệt vời và phản ứng tốt. Toàn đội tin vào khả năng của mình nhưng điều quan trọng là phải ổn định” – HLV Antonio Conte chậm rãi chia sẻ trong phòng họp báo. Không rõ đây là lần thứ bao nhiêu, ông phát biểu mang hàm ý tương tự ở mùa giải này. Đúng là Tottenham đã thể hiện tinh thần quật cường nhưng chính sự yếu kém đã tự đẩy họ vào tình cảnh phải vùng lên chiến đấu.
Chẳng cần sự trợ giúp của các công cụ thống kê, HLV Conte đọc vanh vách: “Chúng tôi đã trải qua 9 trận đấu liên tiếp bị thủng lưới trước. Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp, tôi lâm vào tình cảnh này”.
Rõ ràng, Conte không thể vui. Con số 9 trận liên tiếp để đối phương chọc thủng lưới trước đã chỉ ra vấn đề quá lớn của Tottenham. Đó là khả năng duy trì sự tập trung và ổn định đội hình ở thời điểm đầu trận đấu. Những bàn thua trước Brentford tố cáo điểm yếu của “Gà trống”. Đó chưa kể tới tình huống Ivan Toney bị từ chối bàn thắng vì việt vị ở cuối hiệp 1.
Có một điểm chung trong ba tình huống này. Hàng thủ của Spurs thi đấu rất bị động, thiếu tập trung. Họ gần như không có sự phán đoán trước tình huống xảy ra. Chỉ đáng buồn, thực trạng này đã diễn ra trong khoảng thời gian quá dài.
Có thể ví như Tottenham như chú gà trống không biết gáy sáng. Nó chỉ cất lên tiếng gáy khi bị tổn thương. “Nặng nề, chậm chạp, không có động lực”, đó là ba từ mà tờ Telegraph dùng để mô tả về Spurs.
Trong hai mùa giải qua, Conte đã chủ trương xây dựng Tottenham trở thành đội bóng cơ bắp (hầu hết cầu thủ đều cao trên 1,8 mét). Mùa Hè 2022, khi được phép trao “thượng phương bảo kiếm” để mua sắm, chiến lược gia người Italia càng lộ rõ ý định này bằng việc mang về những “gã lực điền” như Richarlison, Yves Bissouma, Clément Lenglet, Ivan Perisic…
Mục tiêu của vị HLV 53 tuổi là xây dựng đội hình giàu sức chiến đấu. Tuy nhiên, không ít quan điểm cho rằng sự “cồng kềnh” của đội hình, thiếu ngôi sao sáng tạo là yếu tố dẫn tới việc Spurs không “chạy nhanh” trong giai đoạn đầu trận đấu. Có chăng, sự bùng nổ của họ chỉ tới khi thể hiện tinh thần quật cường sau khi bị tổn thương.
Chỉ có điều, không phải là lần bị tổn thương, Spurs cũng có thể đứng dậy như trận đấu với Brentford hay trước đó là Leeds (thắng ngược 4-3), Bournemouth (thắng 3-2 khi bị dẫn trước 0-2). Có một điều đáng buồn là trong 9 trận đấu vừa qua, CLB thành London chỉ có lội ngược dòng chiến thắng 3 trận (Leeds, Bournemouth, Marseille). Có nghĩa rằng 6 trận đấu còn lại, họ đều không hoàn thành mục tiêu.
Người ta đã thấy tinh thần quả cảm của Tottenham bị dập tắt khi để Nottingham Forrest, Newcastle, Liverpool hay Man Utd dẫn trước. Nó cho thấy không phải “tiếng gáy muộn” nào cũng phát huy được hiệu quả. Thông thường, việc ghi bàn dẫn trước luôn mang tới lợi thế không nhỏ. Theo nghiên cứu trong 5 mùa giải liên tiếp (2016/17 đến 2020/21) ở Premier League, đội mở tỷ số có tỷ lệ thắng chung cuộc lên tới 64,2%. Tại giải hạng nhất Anh, con số này thậm chí còn lên tới 72,4%.
Tỷ lệ ngược dòng chiến thắng của Tottenham trong 9 trận đấu đã qua chỉ là 33,33%. Có nghĩa rằng, họ đã tự ném đi rất nhiều cơ hội chiến thắng. Không phải Conte không nhìn trực diện vào vấn đề. Ông tuyên bố sẽ “tìm giải pháp” để khắc phục vấn đề này. Thế nhưng, nên nhớ, chiến lược gia người Italia có hơn 1 tháng để sửa chữa nhưng mọi thứ vẫn chưa cải thiện.
Có thể cảm thông cho Conte khi nhiều trụ cột của Spurs vẫn chưa có thể lực tốt nhất sau World Cup. Thế nhưng, nếu “Gà trống” vẫn không biết gáy sáng, họ chỉ có thể tự đẩy mình vào cửa tử. Nên nhớ, 1 điểm trước Brentford không thể xem là thành công của “Gà trống”. Họ phải chiến đấu vì 3 điểm, thay vì tự cứu mình khỏi cõi chết.
Tottenham không thua trận thứ 16 liên tiếp trong ngày Boxing Day
Với trận hòa trước Brentford, Tottenham đã nối dài chuỗi trận bất bại trong ngày Boxing Day. Cụ thể, đội bóng này đã không thua trong 16 trận đấu liên tiếp (thắng 12, hòa 4). Đây là mạch bất bại dài nhất trong số các CLB ở 4 hạng đấu của Anh.