Nghịch lý của bóng đá Pháp
Trong 7 kỳ World Cup tính từ năm 1998 đến nay, Pháp đã vào chung kết 4 lần, và 2 trong số đó họ trở thành nhà vô địch thế giới. Trong cùng khoảng thời gian đó, không có quốc gia nào đạt được thành tích đáng tự hào đến vậy.
Argentina, Brazil, Đức – những đối trọng lớn của Pháp, chỉ có 2 lần vào chung kết với 1 lần chiến thắng và 1 lần bại trận. Với Tây Ban Nha và Italia, họ thậm chí chỉ có 1 lần. Không còn nghi ngờ gì nữa, Pháp chắc chắn là quốc gia thành công nhất tại sân chơi World Cup trong 25 năm qua.
Đó là kết quả của chính sách đào tạo – phát triển cầu thủ trẻ do Georges Boulogne khởi xướng từ những năm 1970. Sau đó, những người kế nhiệm Boulogne như Michel Hidalgo, Henri Michel, Gerard Houllier, Aime Jacquet… đã nỗ lực không ngừng để sứ mệnh ấy tiếp tục và phát triển.
Tại Pháp hiện có 35 trung tâm đào tạo dành cho lứa tuổi 15-19, với hơn 2.000 thanh thiếu niên và khoảng 10% trong số đó trở thành các cầu thủ chuyên nghiệp. Với lứa tuổi 12-15, Pháp có 16 cơ sở đào tạo cho nam và 8 cho nữ.
Thêm vào đó là sự đa dạng trong dân số, với một lượng lớn cầu thủ gốc Phi cống hiến cho Les Bleus. Sự thành công của Pháp đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều đội bóng khác học hỏi. Chức vô địch thế giới năm 2014 của Đức hay hành trình kỳ diệu của Morocco ở Qatar vừa qua có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng “kiều bào”.
Thế nhưng, cấp độ CLB lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Trên BXH thành tích cấp CLB tính theo từng quốc gia của UEFA, Pháp chỉ xếp thứ năm sau Anh, TBN, Đức, Italia. Vấn đề ở chỗ, khoảng cách giữa họ xa vời vợi. Các CLB Pháp chỉ đạt được 59.497 điểm, tức chỉ hơn một nửa so với Anh (103.141).
Có một thực tế, trong khoảng 1 thập kỷ qua kể từ khi PSG thuộc về sở hữu của giới chủ Qatar, đội bóng thành Paris có lịch sử không quá hào hùng này gánh “oằn lưng” các chỉ số cho bóng đá Pháp.
Một vạn câu hỏi vì sao?
Một nền bóng đá với ĐTQG mạnh và nền tảng các CLB yếu rõ ràng là vấn đề hệ trọng cần mổ xẻ. Người Pháp phải làm gì để gia tăng sức hút cho Ligue 1, để các CLB Pháp trở nên mạnh mẽ hơn ở đấu trường châu lục?
Câu hỏi này được luật sư Frederic Thiriez – cựu Chủ tịch LĐBĐ chuyên ngiệp Pháp (LFP) giai đoạn 2002 – 2016 và là ứng viên thất bại của chiếc ghế Chủ tịch LĐBĐ Pháp năm 2021 lý giải. Theo vị quan chức này, đây là thực trạng đáng buồn và nó cần sự vào cuộc của nhiều phía.
Theo ông Thiriez, thuế ở Pháp quá cao là lý do đầu tiên, bởi điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của các cầu thủ. Ví dụ, để trả cho một cầu thủ mức lương “thực lĩnh” 600.000 euro, một CLB Đức chỉ phải bỏ ra tổng cộng 613.000 euro, nhưng với các CLB Pháp con số tương ứng lên tới 804.000 euro.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, thuế và các khoản đóng góp cho quỹ an sinh xã hội ở Pháp cao nhất trong Liên minh châu Âu và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE). Bản báo cáo tháng 12/2018 của OCDE cho hay, với 46,2 % tỷ lệ thuế so với GDP, Pháp dẫn đầu bảng trong số 36 nước thành viên.
Các chi phí sinh hoạt ở Pháp cũng cao hơn khoảng 30% so với mặt bằng chung của châu Âu. Đã thế, sự đắt đỏ lại không song hành với chất lượng. Đó là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến cuộc chảy máu chất xám của bóng đá Pháp cấp độ CLB.
Những con số biết nói
Đừng nói đến việc thu hút các tài năng lớn trên thế giới, bản thân các cầu thủ Pháp không mấy mặn mà với việc chơi bóng ở quê hương mình – với ngoại lệ duy nhất mang tên PSG. Chỉ 6 trong 25 cầu thủ được HLV Didier Deschamps mang đến Qatar đang thuộc biên chế các CLB Pháp. Và trong số 6 cái tên này, chỉ Mbappe giữ vị trí chính thức.