Cột mốc 30 tuổi
Ở các CLB lớn tại châu Âu luôn có một quy tắc bất thành văn: Không trao hợp đồng mới dài quá 1 năm cho các cầu thủ ngoài 30 tuổi. Họ cũng hiếm khi bạo chi chiêu mộ các ngôi sao đã qua 30 tuổi, trừ khi xem đó là giải pháp tình thế.
HLV huyền thoại của M.U, Sir Alex Ferguson là một trong những người dẫn đầu cho quan điểm này. Ông cho rằng các cầu thủ 30 tuổi trở lên sẽ suy giảm thể lực đáng kể và cần nhiều thời gian hơn để hồi phục. Trong khi đó, cựu HLV Arsene Wenger từng nói thẳng ông chỉ ký hợp đồng ngắn hạn với các tiền vệ và tiền đạo từ 32 tuổi trở lên. Riêng với thủ môn và trung vệ, HLV người Pháp nới rộng cột mốc này lên 34 tuổi bởi lẽ ông cho rằng các vị trí này ít phải vận động hơn.
Cho dù không có bất cứ nghiên cứu khoa học nào cụ thể, nhưng hầu hết các nhà quản lý bóng đá đều đồng ý với Sir Alex và Wenger. Chính sách chuyển nhượng thường thấy của các CLB tại châu Âu là mua cầu thủ trẻ và bán cầu thủ già. Với họ, 30 tuổi là cột mốc đánh dấu đỉnh cao của các ngôi sao sân cỏ, thời điểm họ bắt đầu bước sang bên kia sườn dốc. Nhiều CLB thậm chí sẵn sàng để các trụ cột lớn tuổi của họ ra đi thay vì chấp nhận ký hợp đồng mới dài hạn.
Thế nhưng, đó dường như đã là câu chuyện của quá khứ. Trong mùa Hè này, nhiều hợp đồng “bom tấn” xuất hiện với các cầu thủ ngoài 30 tuổi. Koulibaly chuyển đến Chelsea với giá 40 triệu euro cho dù đã 31 tuổi. Lewandowski thậm chí khiến Barcelona tiêu tốn 55 triệu euro bất chấp anh sẽ tròn 34 tuổi vào tháng 8 tới. Ivan Perisic trở thành tân binh ngoài 30 tuổi đầu tiên của Tottenham kể từ năm 2017, trong khi M.U tuyên bố lão tướng 37 tuổi Ronaldo “không phải để bán”.
Xu hướng thay đổi
Việc các cầu thủ luống tuổi được săn đón trong cho thấy xu hướng chuyển nhượng đang thay đổi. Các CLB không còn “ghẻ lạnh” các ngôi sao ngoài 30 tuổi như trước. Thay vào đó, họ sẵn sàng đưa ra hợp đồng dài hạn để chiêu mộ những cái tên ưng ý.
Phí chuyển nhượng và mức lương thưởng là một yếu tố dẫn đến sự thay đổi này. So với các ngôi sao trẻ, các cầu thủ bị xem là “đã già” thường có giá chuyển nhượng thấp hơn (thậm chí miễn phí) và yêu cầu mức lương thưởng thấp hơn. Hơn nữa, phần lớn trong số họ là các cầu thủ giàu kinh nghiệm, có khả năng thích ứng cao và nhiều trường hợp sẵn sàng ngồi dự bị, xoay vòng theo yêu cầu của HLV.
Tuy nhiên, đó không phải là lý do chính giúp các cầu thủ lớn tuổi có chỗ đứng như hiện nay. Điều quan trọng cuối cùng vẫn là khả năng và phong độ của chính họ. Thực tế đang chỉ ra các cầu thủ đang có tuổi nghề cao hơn trước đây rất nhiều.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Twenty First Group, các cầu thủ trên 32 tuổi thường xuyên chơi nhiều phút hơn ở Champions League mỗi năm. Mùa trước, các cầu thủ trên 34 tuổi – thường bị xem là hết thời theo lối suy nghĩ truyền thống của bóng đá – chiếm nhiều phút trong 5 giải đấu lớn của châu Âu hơn bất kỳ mùa giải nào trước đó có dữ liệu. Không chỉ ra sân thường xuyên, họ còn duy trì được phong độ ổn định như bình thường.
Các cầu thủ ở độ tuổi 20 pressing nhiều hơn các cầu thủ ở độ tuổi 30 không đáng kể (trung bình 14,5 lần so với 12,8 lần mỗi 90 phút). Nhưng ngược lại, các cầu thủ lớn tuổi ở các giải đấu hàng đầu châu Âu tranh chấp bóng bổng tốt hơn, lừa bóng nhiều hơn, chuyền bóng chính xác hơn (với các tiền vệ trung tâm) và ghi nhiều bàn thắng hơn. Số cầu thủ trên 30 tuổi nằm trong danh sách 150 cầu thủ xuất sắc nhất nhất thế giới của Twenty First Group nhiều hơn gấp đôi so với số cầu thủ xuất hiện trong cùng danh sách một thập kỷ trước.
Sự chuyên nghiệp của các cầu thủ và sự phát triển của khoa học thể thao giúp họ duy trì đỉnh cao lâu hơn thế hệ đàn anh. Đó cũng là lý do tại sao các CLB ngày càng cởi mở hơn với những cầu thủ ngoài 30 tuổi.
Cầu thủ trẻ cần nghỉ ngơi nhiều hơn
Chuyên gia khoa học thể thao của tập đoàn Red Bull, Robin Thorpe tiết lộ thời gian hồi phục thực tế của các vận động viên tuỳ vào thể trạng vốn có của từng người hơn là độ tuổi của họ. “Một số cầu thủ lớn tuổi có thể tập luyện ngay sau ngày thi đấu, nhưng một số cầu thủ trẻ lại cần nghỉ ngơi thêm”, Robin Thorpe khẳng định.