Tác phẩm chiến thắng danh hiệu Sách bóng đá hay nhất năm 2022 là “Barca” của tác giả Simon Kuper. Ý tưởng ban đầu của người viết là nói về cách Barca đã trở thành đội bóng được tôn kính nhất thế giới như thế nào. Nhưng trong khi Kuper tiến hành khảo sát, mọi thứ thay đổi hoàn toàn.
Barca không còn vừa với danh xưng mỹ miều kia nữa. Thay vào đó, họ bị chê bai là đội bóng có BLĐ kém cỏi bậc nhất. Cuốn sách “Barca” được phát hành chỉ vài ngày trước khi Lionel Messi chuyển tới PSG theo dạng tự do. Đó là sự châm biếm lớn nhất trong lịch sử Barca khi bất chấp đội bóng muốn Messi ở lại, bản thân Leo cũng muốn ở lại, nhưng họ không thể đăng ký thi đấu cho nhau.
Sự ra đi của Messi chỉ là thời khắc mấu chốt để tất cả chấp nhận sự thật rằng Barca đã gần sụp đổ. Họ đang nợ hơn 1 tỷ euro, phải bán tên sân Camp Nou, thậm chí biến nó thành trung tâm tổ chức tiệc cưới, rồi giảm sâu lương cầu thủ, hết lần này tới lần khác. Nói đơn giản, Barca đang làm mọi cách để kiếm từng xu.
Cule đương nhiên là buồn rầu nhưng bóng đá hiện đại cần những trường hợp kiểu này để đạt tới trạng thái cạnh tranh cân bằng.
Hãy nhắc một chút quá khứ. Đầu thế kỷ này, Barca và Real Madrid vẫn là 2 đội bóng lớn nhất Tây Ban Nha, nhưng cả hai vận hành rất kém cỏi. Thượng tầng mâu thuẫn, quản lý yếu kém, mua quá nhiều tiền đạo ngôi sao…
Sự suy yếu của 2 gã khổng lồ là thời cơ để Valencia và Deportivo La Coruna vô địch La Liga, trong khi Real Sociedad và Villarreal vươn lên mạnh mẽ. Bất chấp những điều đó, theo đánh giá của UEFA, La Liga vẫn là giải đấu số 1 châu Âu.
Nhưng sau 2 thập kỷ, sự bất bình đẳng đã gần tuyệt đối, tất cả bắt nguồn từ bất bình đẳng tài chính.
Đầu thế kỷ, quỹ lương của đội giàu nhất Premier League chỉ gaapf 3,5 lần đội nghèo nhất. Mùa 2020/21, con số này tăng lên 8 lần.
Ở Đức, Bayern là đội bóng mạnh nhất lịch sử nhưng cho tới trước năm 2010, họ chưa bao giờ vô địch Bundesliga liên tiếp quá 3 lần. Bây giờ, Hùm xám đã ở ngai vàng liền 10 năm.
“Vấn đề” của Bayern không chỉ là lợi thế tài chính, mà còn là họ vận hành quá tốt. Quỹ lương của Bayern luôn được duy trì ổn định, họ hạn chế tối đa việc mua những ngôi sao lớn không đóng góp nhiều chuyên môn. Về vấn đề chuyển nhượng, Bayern vẫn trung thành với chính sách mua người trong Bundesliga, vừa tăng cường cho bản thân, vừa làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Sự hợp lý trong điều hành của Bayern biến lợi thế tài chính trở thành lợi thế trực tiếp trên sân cỏ. Bundesliga cũng vì thế trở thành giải đấu có tính cạnh tranh thấp nhất.
Nếu Barca cũng vận hành tốt như Bayern, họ cũng sẽ “vô đối” như vậy. Hãy nhớ, đây từng là đội bóng có doanh thu lớn nhất trong số mọi CLB thể thao thế giới. Barca có thể chiêu mộ bất cứ cầu thủ nào và giành trên 90 điểm mỗi mùa giải.
Nhưng sự thật là Barca “chỉ” vô địch 5 trong 10 mùa gần nhất (và không lần nào trong 3 năm qua). Nguyên nhân đến từ đội hình quá chất lượng của Real, khả năng quản lý quá tốt của Atletico và vô số lý do khác, nhưng đặc biệt vẫn là sự yếu kém trong lãnh đạo của Barca.
Nhưng bất chấp một Barca suy thoái khủng khiếp như thế, họ vẫn về đích thứ 2 ở La Liga mùa trước, trong đó thắng nhà ĐKVĐ Real tới 4-0 ngay tại Bernaneu vào tháng 3.
Mới nhất, Barca khiến người ta đặt câu hỏi họ có thực sự “nghèo” không khi bỏ ra hơn 110 triệu euro mua liên tiếp Raphinha và Lewandowski, trong khi tái ký với Ousmane Dembele.
Các nhà cái đánh giá Barca có tới 35% cơ hội vô địch La Liga mùa tới. Rõ ràng, kể cả khi suy yếu thì khoảng cách giữa Barca với phần còn lại vẫn quá khủng khiếp. Vậy nên, ở một chừng mực nào đó, người qua đường nên cảm thấy vui với những biến động như vậy để cho bóng đá phong phú hơn.