Bất chấp việc không còn phải trả khoản lương khổng lồ cho siêu sao Lionel Messi, Barcelona vẫn đang đứng trước nguy cơ bị phá sản do lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính. Để vượt qua tình cảnh khó khăn như hiện nay, Barca chỉ có một sự lựa chọn duy nhất và vận mệnh của họ hiện nằm trong tay của chính các culé (CĐV Barca).
Lịch thi đấu La Liga 2021/2022
Bảng xếp hạng La Liga 2020/2021
Thực tế không có lối thoát nào đơn giản dành cho Barca, khi họ đang gánh khoản nợ lên đến 1,35 tỷ euro. Đây là hệ quả của một chuỗi những hành động xuất phát từ năng lực quản lý tài chính yếu kém của BLĐ Barca. Không phủ nhận những tác động tiêu cực của COVID-19, nhưng nên nhớ vấn đề BLĐ Barca chi tiêu bất hợp lý đã tồn tại trong một thời gian dài, thậm chí trước cả thời thế giới điêu đứng vì đại dịch.
Theo xác nhận của chủ tịch Joan Laporta, số tiền Barca đi vay đã vượt quá giá trị tài sản của CLB tới 451 triệu euro. Vấn đề của gã khổng lồ xứ Catalan là họ đang ở tình trạng “cha chung không ai khóc”. Đúng là đội bóng có chủ tịch Laporta, nhưng ông này không sở hữu Barca mà trên danh nghĩa các culé mới có đặc quyền đó.
Không giống như các CLB ở Premier League, Barca cùng với 3 đại diện khác của Tây Ban Nha là Real Madrid, Athletic Bilbao và Osasuna chẳng thuộc quyền sở hữu của bất kỳ ông chủ, tập đoàn hay công ty nào,mà là của các CĐV. Ở xứ sở đấu bò, những “ông chủ” của các đội bóng này được gọi là “socis”, tạm hiểu là thành viên hội cổ động viên.
Hằng năm, các socis phải đóng một khoản tiền theo quy định để duy trì quyền thành viên của mình. Chính nhờ có họ mà Barca hay Real mới có nguồn kinh phí hoạt động. Xét theo cơ chế này, những Laporta, Florentino Perez cùng những thành viên khác trong BLĐ Barca và Real về bản chất cũng chỉ là người làm thuê cho đội bóng.
Trong bản báo cáo tài chính gần nhất được Barca cho công bố thì đội bóng này hiện có 140.175 thành viên được xếp vào dạng socis. Tuy là “bầu sữa” của Barca, nhưng họ lại không có quyền điều hành đội bóng. Thay vào đó, Laporta và những người tiền nhiện của ông lại có được vinh dự này.
Việc chủ tịch Barca không sở hữu toàn bộ hay phần lớn đội bóng cho phép Laporta hay trước đó là Bartomeu có thể thoải mái đưa ra những quyết định mà không phải lo gánh trách nhiệm quá lớn. Họ mà có làm sai thì Barca và các culé mới là những người lãnh hậu quả lớn hơn.
Thế mới có chuyện, sau khi bán tiền đạo Neymar cho PSG với mức giá kỷ lục 222 triệu euro vào năm 2017, BLĐ Barca đã tỏ ra rất hời hợt khi chiêu mộ những cầu thủ đắt giá như Coutinho, Dembele hay Griezmann (đều với giá hơn 100 triệu euro) nhưng hiệu quả thu về lại không tương xứng.
Cách chi tiêu bạt mạng cộng thêm với việc Barca rất “xông xênh” trong việc trả lương cầu thủ khiến ngân sách đội bóng cứ dần thâm hụt, trong khi khoản nợ mà họ phải gánh ngày càng phình to. Ở tình cảnh khó khăn như hiện nay, các CĐV Barca chỉ còn cách bán đội bóng, bằng phát hành cổ phiếu để thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư bên ngoài.
Đây chính xác là cách làm mà những đội bóng như Man United (có cổ phiếu được giao dịch trên sàn chứng khoán New York) đã làm từ lâu và Barca cũng nên học tập. Theo tờ Telegraph, với mức vốn hóa hiện tại thì mỗi cổ phiếu của Barca nếu phát hành sẽ có giá khoảng 6.435 euro).
Trong trường hợp cổ phiếu được tiêu thụ hết, đội chủ sân Nou Camp sẽ thu về khoàng 902 triệu euro là khoản tiền rất quý giá để dùng cho việc tái thiết CLB vào thời điểm này. Ít nhất, nó cũng giúp Barca trả được một phần lớn khoản nợ, trong đó có 525 triệu euro tiền vay từ ngân hàng đầu tư nổi tiếng Goldman Sachs của Mỹ.
Chỉ cần có đủ tiền mua một lượng nhất định cổ phiếu Barca, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng đều nắm quyền sở hữu đội bóng thay cho các CĐV như hiện nay. Tất nhiên, họ sẽ phải có ý thức trách nhiệm với nguồn vốn mà mình bỏ ra chứ không có chuyện đưa ra những quyết định mà không cần cân nhắc quá nhiều như trước.